Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tết quê mình: Ngọt thơm món 'thèo lèo' của người miền Nam tiễn ông Táo về trời

Bên cạnh những món mặn thì người miền Nam không thể thiếu món "thèo lèo phân chuột" khi làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo về trời.

Ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hay còn gọi là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời là một trong những ngày lễ quan trọng nhất đối với người Việt từ xa xưa.

Người Việt quan niệm, mỗi căn bếp trong gia đình đều được ba vị Táo quân cai quản. Mỗi năm vào ngày này, ông Công ông Táo về trời, tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. 

 

Các gia chủ thường chuẩn bị cá chép - phương tiện để ông Công ông Táo về trời cùng một mâm cỗ cúng để thể hiện lòng thành kính. Bên cạnh những món ăn truyền thống quen thuộc như giò, bánh chưng, xôi, hoa quả, trầu cau,... thì mỗi vùng miền lại có thêm những món đặc trưng khác để bày trên mâm.

 

Với người miền Nam, mâm cỗ không thể thiếu được đĩa kẹo thập cẩm được làm từ mè và đậu phộng mà nhiều người thường gọi với cái tên "thèo lèo phân chuột". Cho đến bây giờ, người địa phương vẫn không rõ từ khi nào trên mâm cỗ cúng lại xuất hiện loại kẹo này cũng như nguồn gốc của cái tên độc đáo kia.

 

Kẹo mè đen làm từ các nguyên liệu chính như mè đen, đậu phộng (lạc), đường mạch nha, đường trắng... Các loại hạt được rang lên cho thơm, sau đó ngào cùng với đường mạch nha để tạo khối hình chữ nhật. Gia chủ có thể mua kẹo mè, kẹo đậu phộng hoặc kẹo trộn lẫn cả hai loại hạt này tùy theo ý muốn.

 

Về nguồn gốc tên gọi, đến nay vẫn chưa ai biết chính xác. Thế nhưng, có 2 giả thuyết được nhiều người tán thành. Theo giả thuyết thứ nhất, cái tên "thèo lèo phân chuột" bắt nguồn từ hình dáng và màu sắc của kẹo. Tuy nhiên, đây chỉ là cách lý giải dựa trên trực quan, đơn giản hóa.

 

Cách lý giải thứ hai đến từ sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Trung Quốc. Theo đó, khu vực này trước đây có nhiều người Hoa sinh sống nên bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc.

"Thèo lèo" được lý giải là đọc chệch của chữ "trà liệu" trong tiếng Trung, nghĩa là thứ để ăn khi uống trà. Người miền Nam nghe Hoa kiều Triều Châu phát âm nghe như tề liếu/tề léo nên phiên thành thèo lèo. 

Bên cạnh ý nghĩa đưa ông Công ông Táo về trời "xuôi chèo mát mái", "thèo lèo phân chuột" là món ăn hấp dẫn, nhất là với bọn trẻ con bởi cái vị ngọt ngào của đường mạch nha, beo béo của mè và đậu phộng. Cùng gia đình quây quần ăn kẹo thưởng trà cũng là thú vui giản dị mà ấm áp mỗi dịp Tết đến xuân về.

 

Rachel Phạm (Tổng hợp)

Tin mới