Cuối năm Dương lịch, mọi người thường nghĩ đến Tết Nguyên đán và câu hỏi "Tết Nguyên đán năm 2024 vào ngày nào" hay "Còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết" lại được đặt ra.
Nếu như năm ngoái, Tết Nguyên đán rất gần với Tết Dương lịch (chỉ đến sau 3 tuần, mùng 1 Tết là 22/1/2023) thì năm nay, khoảng cách giữa hai ngày này xa hơn rất đáng kể. Vậy Tết âm 2024 vào ngày nào?
Tết Dương lịch 2024 đã là ngày 20/11 âm lịch. Và sau đó hơn 1 tháng, chính xác là 1 tháng 10 ngày, chúng ta lại đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo Lịch vạn niên, ngày 30 Tết năm nay sẽ rơi vào thứ Sáu ngày 9/2/2024 Dương lịch và ngày mùng 1 Tết Nguyên đán 2024 rơi vào thứ Bảy ngày 10/02 Dương lịch.
Tết Nguyên đán năm 2024 vào ngày nào? (Ảnh chụp màn hình)
Ngày 22/11/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông báo 5015/TB-LĐTBXH năm 2023 về nghỉ tết Âm lịch 2024 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như sau:
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ Tết Âm lịch 2024 từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Tết Nguyên đán 2024 năm nay, người lao động được nghỉ 7 ngày. (Ảnh chụp màn hình)
Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù thứ Bảy và Chủ nhật.
Với những người lao động không thuộc trường hợp trên, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn một trong các phương án nghỉ tết Âm lịch như sau:
- Lựa chọn 1 ngày cuối năm Quý Mão (2023) và 4 ngày đầu năm Giáp Thìn (2024).
- Chọn 2 ngày cuối năm Quý Mão (2023) và 3 ngày đầu năm Giáp Thìn (2024).
- Chọn 3 ngày cuối năm Quý Mão (2023) và 2 ngày đầu năm Giáp Thìn (2024).
Tết Âm lịch (hay Tết Nguyên đán, Tết Cổ truyền hoặc được gọi đơn giản là Tết) là ngày lễ lớn nhất trong các lễ hội ở Việt Nam, có vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Đây là dịp để mọi người đoàn tụ với gia đình, về thăm quê hương và tưởng nhớ tổ tiên.
Trong tâm thức của người Việt, ngày Tết chính là ngày của sự sum họp, đoàn viên. Dù đang ở đâu, làm bất cứ nghề gì, người ta đều mong được trở về nhà ăn bữa cơm tất niên cùng gia đình, được lễ bái trước bàn thờ tiên tổ.
Vào ngày 30 Tết, theo phong tục, nhà nào cũng chuẩn bị đủ hai mâm cúng tổ tiên ông bà và các thần linh đúng khoảnh khắc giao thừa để xóa bỏ hết những đen đủi, muộn phiền năm cũ và chào đón năm mới an lành, hạnh phúc.
Ngày mùng 1 Tết, các gia đình chờ đón người xông đất đầu năm. Ông bà ta quan niệm, sau thời điểm giao thừa, ai bước vào nhà đầu tiên với lời chúc mừng năm mới sẽ chính là người xông đát. Thông thường, chủ nhà sẽ mời người nào tốt số, hợp vía, hợp tuổi với gia chủ để đến xông đất nhà mình. Người xông đất cũng phải vui vẻ, sức khỏe dồi dào, để đem lại may mắn cho gia chủ trong năm mới.
Cũng trong ngày đầu năm, bố mẹ, ông bà thường mừng tuổi con trẻ với lời chúc mạnh khỏe, ngoan ngoãn, an lành. Con cháu trưởng thành cũng lì xì ông bà cha mẹ để cầu mong họ luôn mạnh khỏe, ở bên mình thật lâu.
Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ sẽ báo hiệu một năm mới an lành, tốt đẹp. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin vào cuộc sống. Nếu chúng ta có năm cũ may mắn và thuận lợi thì sự may mắn này sẽ kéo dài qua năm sau. Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.