Vật thể nặng khoảng 21 tấn nằm ở tầng trung tâm của tên lửa Trường Chinh 5b của Trung Quốc, được phóng lên quỹ đạo hôm 28/4. Đây là module đầu tiên của trạm vũ trụ mới mà Trung Quốc xây dựng. Thay vì rơi vào vị trí được chỉ định, bộ phận này bắt đầu quay quanh Trái đất và mất kiểm soát.
Nhà báo Andrew Jones, người chuyên quan sát chương trình vũ trụ của Trung Quốc, đưa tin trên SpaceNews rằng bộ phận này có khả năng sẽ rơi trở lại Trái đất trong vài ngày tới.
Tên lửa Trường Chinh 5B Y2.
Jonathan McDowell, nhà thiên văn học theo dõi các vật thể quay quanh Trái đất, nhận định với: “Tôi nghĩ rằng, theo các tiêu chuẩn hiện tại, không thể để nó quay trở lại một cách không kiểm soát. Kể từ năm 1990, chưa có gì hơn 10 tấn được cố tình để lại trong quỹ đạo để quay trở lại một cách không kiểm soát".
Phần thân tên lửa có chiều dài khoảng 100 feet (hơn 30 m) và rộng 16 feet (4,8 m), theo Jones. Khi rơi ra khỏi quỹ đạo, nó có thể bốc cháy trong bầu khí quyển của Trái đất, nhưng những mảnh vỡ lớn vẫn có thể còn lại và rơi xuống. Phần lớn Trái Đất là đại dương, vì vậy các mảnh tên lửa có nhiều khả năng rơi xuống đó nhất. Nhưng chúng vẫn có thể đe dọa các khu vực có người sinh sống.
Theo Jones, đường đi của tên lửa xung quanh Trái đất khiến nó có thể rơi xuống "xa hơn một chút về phía Bắc so với New York, Madrid và Bắc Kinh, và xa hơn về phía Nam ở phía Nam Chile và Wellington, New Zealand".
Trung Quốc phóng Trường Chinh 5b một lần trước vào tháng 5/2020 để thử nghiệm, bằng cách đưa một mô hình tàu vũ trụ vào quỹ đạo. Tầng lõi của tên lửa khi đó cũng rơi trở lại Trái đất một cách không kiểm soát, 6 ngày sau khi phóng.