Theo Sputnik, tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal của Nga được truyền thông phương Tây mô tả như một vũ khí tấn công nguy hiểm với tốc độ bay lên đến Mach 10 (11.925 km/h) và có tầm tấn công 3.000 km. Tuy nhiên, theo Sputnik, Kinzhal chưa phải là mẫu tên lửa tấn công mạnh nhất của quân đội Nga.
Tên lửa đạn đạo nhanh nhất của Nga
Vị trí này thuộc về tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat và tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng đi từ tàu ngầm (SLBM) RSM-56 Bulava với tốc độ hành trình lần lượt là Mach 20 (25.500 km/h) và Mach 24 (28.600 km/h).
Cả Sarmat và Bulava đều không phải tên lửa siêu thanh, chúng là tên lửa đạn đạo thực hiện hành trình bay vào không gian sau đó triển khai đầu đạn tấn công các mục tiêu từ quỹ đạo. Dù vậy các ICBM của Nga vẫn có thể thực hiện các đòn tấn công cơ động tương tự như tên lửa siêu thanh, về mặt lý thuyết chúng không thể bị đánh chặn.
Tên lửa Sarmat của Nga vượt trội hơn các dòng ICBM Mỹ cả về tầm bắn lẫn sức hủy diệt.
Dĩ nhiên hiện thực hóa các đòn tấn công của Sarmat và Bulava là điều khó có thể xảy ra và chúng cũng chỉ được sử dụng trong điều kiện tác chiến thực tế. Việc một ICBM được sử dụng gần như đồng nghĩa với việc kích hoạt cuộc chiến tranh hạt nhân.
Các chuyên gia quân sự của Sputnik phân tích, dù bay nhanh là tốt nhưng tốc độ của tên lửa không phải là tất cả, một tên lửa phòng không có tốc độ bay chậm hơn vẫn có thể đánh chặn tên lửa siêu thanh nếu dự đoán được quỹ đạo bay mục tiêu.
Để khắc phục nhược điểm này, tên lửa siêu thanh Kinzhal được bổ sung thêm tính năng thay đổi hướng bay trong hành trình siêu âm. Điều này khiến việc dự đoán quỹ đạo và hướng bay chính xác trở nên khó khăn hơn.
Tên lửa tấn công nhanh nhất thế giới
Việc xác định tốc độ tối đa của tên lửa phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu xét đến tên lửa đạn đạo có tốc độ bay nhanh nhất thế giới thì vị trí này thuộc về ICBM LGM-30 Minuteman và SLBM UGM-133 Trident II của quân đội Mỹ, với vận tốc tối đa lần lượt là Mach 23 (28.200 km/h) và Mach 25 (30.600 km/h).
Còn ở vị trí tên lửa tấn công nhanh nhất thế giới lại thuộc về phương tiện lượn siêu thanh Avangard của Nga với vận tốc tối đa lên đến Mach 27 (32.200 km/h) khi bay trên gần quỹ đạo. Tốc độ của Avangard sẽ giảm dần xuống Mach 15-20 khi trở lại khí quyển và tiếp cận mục tiêu.
Vai trò tên lửa siêu thanh trong quân đội Nga
Từ những đánh giá trên, Nga gần như đứng đầu hoặc gần đầu hầu hết các bảng xếp hạng tên lửa hành trình, đạn đạo và siêu thanh? Đáp án đơn giản là công nghiệp chế tạo tên lửa Nga được kế thừa những thành tựu công nghệ do Liên Xô phát triển trước đây.
Ngay từ những năm 1960, các nhà khoa học Liên Xô đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ tên lửa siêu thanh. Sau khi Liên Xô tan rã, các chương trình tên lửa siêu thanh bí mật của Nga vẫn tiếp tục được đầu tư và phát triển đến tận ngày nay.
Phương tiện lượn siêu thanh Avangard trong thử nghiệm. (Ảnh: TASS)
Năm 2002, sau khi Mỹ bất ngờ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tên lửa siêu thanh hiện có và mở ra thêm các dự án mới. Bước đi này được xem là cần thiết khi Mỹ không ngừng mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa ra khắp thế giới và có thể khiến lực lượng hạt nhân của Nga mất đi khả năng răn đe.
Những nỗ lực này đã đơm hoa kết trái, vào năm 2020, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sở hữu hệ thống vũ khí siêu thanh không thể bị đánh chặn – Avangard. Đồng thời khẳng định Avangard không chỉ nhanh mà còn chính xác và có sức hủy diệt lớn.
Những nâng cấp này đối với lực lượng tên lửa của Nga được đánh giá là không thể kịp thời hơn, bởi vì cùng thời điểm Washington hủy bỏ Hiệp ước ABM, Lầu Năm Góc bắt đầu thực hiện chiến lược "Tấn công toàn cầu nhanh chóng" - nghĩa là tấn công bằng vũ khí thông thường vào mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới trong vòng một giờ.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa này sẽ nhắm vào giới lãnh đạo chính trị và quân sự của đối thủ cũng như ngăn chặn đối phương phản công.
Về cơ bản, việc sở hữu các tên lửa tốc độ cực cao có khả năng cơ động, tránh hệ thống phòng thủ tên lửa và che giấu mục tiêu cuối cùng cung cấp cho Nga một loại "lá chắn" tên lửa, cho phép giới lãnh đạo Moskva ngủ ngon vào ban đêm khi biết rằng kẻ thù sẽ bị bất ngờ.
Việc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh không thể bị đánh chặn cũng là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ phải thay đổi chiến lược "Tấn công toàn cầu nhanh chóng".