Đó là chuyện về thương binh bậc 4 Hoàng Văn Thàm, dân tộc Nùng, sinh năm 1960, quê gốc Cao Bằng, hiện định cư tại khu phố 5, P. Tiến Thành, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ông là tấm gương điển hình về vượt khó ở địa phương.
Căn nhà của gia đình ông Thàm nằm trong con hẻm nhỏ, trải bê tông sạch sẽ. Căn nhà tuy chưa phải lớn, nhưng cũng đã được xây kiên cố, rộng rãi. Cơ ngơi này còn có vườn rau, ao cá, khung cảnh yên bình.
Thương binh Hoàng Văn Thàm. Ảnh: Phúc Lập.
Khi chúng tôi đến, ông Thàm đang ở ngoài vườn cao su, bộ quần áo dính đầy mủ, lem nhem. Năm nay 62 tuổi, lại là thương binh, nhưng có vẻ như sức khỏe của ông còn khá tốt. “Lao động hăng say và thành quả đạt được giúp giúp tôi khỏe, tinh thần phấn chấn hơn”, ông Thàm cười.
Ông Thàm kể, giữa năm 1977, khi vừa bước sang tuổi 18, ông đã tình nguyện xin nhập ngũ. Trải qua 6 tháng huấn luyện, tháng 8/1978, ông cùng đồng đội lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông được về ngay tại quê hương Cao Bằng. Thời điểm này, quân Trung Quốc vẫn liên tục tổ chức các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai. “Đến ngày 17/2/1979, thì Trung Quốc chính thức mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Tôi bị thương trong đợt này với mấy mảnh đạn trên đầu, ngực, chân nên được đưa về Quân y viện 91 điều trị mất hơn nửa năm mới bình phục”, ông Thàm nhớ lại.
Năm nay đã ngoại lục tuần, lại nhiều vết thương trong người, nhưng ông Thàm luôn tràn đầy năng lượng, làm việc không mệt mỏi. Ảnh: Phúc Lập.
Tháng 11/1979, sau khi giám định thương tật, ông mất 36% sức khỏe (thương binh bậc 4) và được cho xuất ngũ. Về quê hương với thương tích đầy mình, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương chưa lành hẳn lại đua nhau trỗi dậy, hành hạ. Mặc dù vậy, ông Thàm vẫn thấy mình may mắn. “Chiến tranh biên giới phía Bắc tuy không kéo dài, nhưng hậu quả vô cùng lớn, rất nhiều đồng đội của tôi đã mãi mãi không trở về. Cho nên, mình vẫn còn may mắn. Mình nghĩ thế nên có thêm nghị lực, những vết thương trên người không làm mình nhụt chí. Mình còn nghĩ trong đầu, phải sống làm sao cho xứng đáng với đồng đội mình đã hy sinh, dù thân thể không còn lành lặn, cũng phải vượt lên”, ông Thàm tâm sự.
Năm 1982, ông lập gia đình với người con gái cùng làng cũng trở về từ chiến trường, sau đó ra riêng sống với mấy sào ruộng cha mẹ cho. “Ở vùng rừng núi, vài sào ruộng nương thì đủ gạo ăn là may rồi chứ làm gì có dư. Tôi suy nghĩ hoài, phải làm gì để thoát khỏi cảnh nghèo, cho vợ con đỡ khổ. Trong lúc còn đang nghĩ chưa ra thì xem ti vi thấy chiếu cảnh người ta đi kinh tế mới trong miền Nam, thấy đất rộng, màu mỡ, người lại thưa, nên bắt đầu nghĩ đến chuyện vào Nam lập nghiệp. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi bàn với vợ, vợ nghe. Vậy là năm 1984, tôi bán hết tài sản, gom góp được chút vốn, cả nhà dắt díu nhau vào Nam lập nghiệp theo diện kinh tế mới".
Buông thùng mủ cao su xuống, ông lại xách cuốc ra vườn. Ảnh: Phúc Lập.
Nhưng đây lại là khởi đầu của một giai đoạn khó khăn tiếp theo trong cuộc đời vợ chồng ông Thàm. “Khi đó, vào đến đây là chúng tôi chẳng còn gì trong người ngoài mấy bộ đồ cũ. Chúng tôi được một người đồng hương cho mượn một góc vườn nhỏ để dựng căn chòi che nắng che mưa, tiếp theo là những năm tháng đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy “dễ thở” hơn ở quê, vẫn dành dụm được ít bạc lẻ. Tích tiểu thành đại, đến năm 1992, chúng tôi gom hết tiền để dành bao năm qua, rồi vay mượn thêm người quen, mua được 1,3ha đất, chính là cơ ngơi này. Có đất rồi, vợ chồng tôi hạnh phúc vô cùng. Bởi vì, chỉ cần có đất, tôi chắc chắn gia đình mình sẽ sớm thoát cảnh khó khăn và sẽ đủ khả năng lo cho các con ăn học”, ông Thàm nói tiếp. “Gia đình tôi bây giờ cũng chỉ gọi đủ ăn thôi chứ chưa phải khá giả, nhưng tôi có nhiều thứ quan trọng hơn. Đó là sức khỏe, gia đình đầm ấm, các con trưởng thành, biết kính trên nhường dưới, bà con lối xóm quý mến... Đời người cũng chỉ mong có thế”, ông Hoàng Văn Thàm tâm sự.
Chia tay quãng đời làm thuê, trên diện tích đất 1,3ha tậu được, ông Thàm làm đủ thứ, trồng đậu, rau màu các loại, nuôi heo, đào ao nuôi cá… Không chỉ làm nông, thấy người dân ăn chay nhiều nên nhu cầu về đậu hũ rất lớn, nên vợ chồng ông Thàm đã cất công đi nhiều nơi học hỏi rồi về mày mò mở xưởng sản xuất đậu hũ (đậu phụ) cung cấp cho các sạp bán lẻ khu vực Đồng Xoài. Nhờ chí thú làm ăn, chịu khó thức khuya dậy sớm, ông trời đã không phụ người có công. Việc làm nông và xưởng sản xuất đậu hũ đã mang lại cho gia đình ông thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Khi cuộc sống đã ổn định, có của để dành, năm 2008, ông Thàm quyết định chuyển gần hết diện tích đất sang trồng cao su, vì thấy loại cây trồng này tốn ít công chăm sóc, thu nhập ổn định. Ông chỉ giữ lại vài trăm mét đất trồng tỉa rau màu các loại để phục vụ cho bữa ăn gia đình.
Cơ ngơi của gia đình ông Thàm ngoài hơn 1ha cao su còn những mảnh vườn trồng nhiều loại rau, cây thuốc nam. Ông bảo, rất thích ngồi bệt xuống đất, vuốt ve những lá cây trên chính mảnh vườn nhà mình. Ảnh: Phúc Lập.
Ở tuổi 62, ông Thàm vẫn còn rất khỏe mạnh, hàng ngày ông vẫn thức dậy sớm ra lô cạo mủ đi bán. “Có được thành quả như hôm nay vợ chồng tôi đã vất vả quần quật suốt bao năm qua. Đêm hôm thì thức dậy làm tàu hũ để sáng sớm đi giao ở các chợ, về đến nhà lại lao ra vườn rau màu, chuồng heo, ao cá… sản phẩm làm ra tự chở đi bán khắp nơi. Quần quật suốt ngày như vậy nhưng chúng tôi vẫn thấy khỏe, thấy vui vì mình làm hiệu quả, có tiền lo cho các con ăn học”, ông Thàm nói.
Ông kể: “Tôi có 4 đứa con gái, 1 thằng con trai. Đây là “tài sản” lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi. Tụi nhỏ ý thức được cha mẹ vất vả, nên rất ngoan, cố gắng học hành. Sau khi học ra trường, hiện đều đã ra ở riêng, có công ăn việc làm ổn định”.
Ông Hoàng Văn Thàm: "Tài sản lớn nhất chúng tôi có được hôm nay là sức khỏe, gia đình đầm ấm và tình cảm xóm giềng". Ảnh: Phúc Lập.
Mặc dù lao động cật lực, gom góp từng đồng lẻ, nhưng ông lại không chần chừ, sẵn sàng hiến hơn 2.000m2 đất trị giá tiền tỷ để làm đường. Đó là một tài sản lớn, còn giúp đỡ bà con lối xóm trong cuộc sống hàng ngày thì rất thường xuyên. Ông quan niệm: “Mình vui khi giúp được ai đó và thấy họ vui. Tiền bạc, vật chất hết rồi lại có, chỉ cần có sức khỏe thì chả lo gì không kiếm được tiền. Như vợ chồng tôi, hồi mới về đây, có cắc bạc nào đâu? Mình cứ chịu khó lao động thì sẽ có cơm trắng ăn thôi. Tôi cũng nhớ ơn nhiều người đã chia sẻ khó khăn với gia đình tôi hồi chân ướt chân ráo về đây. Hồi đó ai cũng nghèo cả, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được lon gạo, bó rau, con cá. Hồi đó, nhờ có người tốt bụng cho mượn góc vườn dựng cái chòi nên con nó mới có chỗ trú mưa trú nắng. Đó chính là “một miếng khi đói” đúng nghĩa đen. Vậy thì lý gì mình có khả năng lại không chia sẻ với mọi người”.
Giây phút hạnh phúc bên các cháu của cựu binh Hoàng Văn Thàm. Ảnh: Bùi Liêm.
Anh Bùi Thanh Liêm, một hàng xóm thân thiết của gia đình ông Thàm, kể về ông: “Ổng dễ thương lắm. Là người tham công tiếc việc, làm hết việc chứ không hết ngày. Vậy nhưng chỉ cần ai ngỏ lời nhờ là ổng bỏ công việc của mình chạy đi giúp ngay. Tôi nhớ, hồi lâu lâu rồi, có người hàng xóm bận, nhờ ổng đón cháu hộ, thế là ổng lấy xe chạy đi ngay, chẳng suy nghĩ gì. Đến khi về đến nhà mới sực nhớ cháu mình chưa đón. Vậy là lại hối hả chạy đi, làm đứa cháu đứng đợi méo mặt”.
“Ông Thàm là gương điển hình bệnh binh vượt khó, làm giàu. Dù thương tích đầy người, nhưng ông làm việc không thua gì thanh niên. Hồi mới về đây, hai vợ chồng ông quanh năm quần quật làm thuê. Từ chỗ chỉ có hai bàn tay trắng, không có một mẩu đất chọi chim, nay gia đình ông Thàm đã là một trong những hộ có kinh tế vững của địa phương. Và đặc biệt là ông bà nuôi được 5 người con ăn học thành tài, đứa nào cũng ngoan hiền”, ông Lê Thanh Hoàn, Chủ tịch UBND phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài nói.