Với thủ tục thông quan nhanh, gọn, thời gian di chuyển rút ngắn, giảm chi phí vận chuyển… đây là chuyến tàu đáp ứng sự mong đợi bấy lâu của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) nằm sát quốc lộ 1A và giáp ranh với TPHCM, có khả năng kết nối với nhiều tỉnh. Với lợi thế đã được cấp mã liên vận, ga Sóng Thần hướng đến trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa trọng điểm ở khu vực phía Nam. Năng lực tổng hợp vận chuyển liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần đạt 1,27 triệu tấn/năm, dự kiến đạt 2,5 triệu tấn năm vào năm 2025.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau chuyến tàu đầu tiên này, tổng công ty sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên, các công ty vận tải đường sắt căn cứ nhu cầu thực tế, tổ chức tăng tần suất chạy tàu trên tuyến. Với việc tổ chức hoạt động liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển tại TPHCM, Vũng Tàu để làm thủ tục xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có thể làm thủ tục ngay tại ga, từ đó vận chuyển bằng đường sắt sang thị trường Trung Quốc đến Nga, Liên minh châu Âu (EU)… rút ngắn được thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng hai tuyến vận chuyển liên vận quốc tế từ ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) đi Trung Quốc và các nước thứ ba. Tuyến thứ nhất xuất phát từ ga Sóng Thần đi Kép (tỉnh Bắc Giang) rồi đến Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) trước khi sang ga Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Từ đây, tàu sẽ tiếp tục đi sâu nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, EU...
Tuyến thứ hai từ ga Sóng Thần đi Lào Cai tới ga Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Trung Quốc) sau đó sẽ chuyển đổi phương tiện đi sâu nội địa Trung Quốc. Mỗi đoàn tàu sẽ vận chuyển 20 - 25 container.
Đoàn tàu chính thức lăn bánh.
Chia sẻ thêm về giá thành, ông Nguyễn Trung Dũng, một thương lái hàng nông sản tại tỉnh Bình Dương cho biết: "Tại Việt Nam, thời gian qua chi phí logistics trong ngành nông sản chiếm đến 20 - 25% giá thành sản phẩm, trong khi các nước chỉ chiếm khoảng 12-14%. Tuyến đường sắt chở hàng từ Bình Dương đi Trung Quốc giúp doanh nghiệp giảm chi phí đến một nửa so với trước, từ đó thêm cơ hội cạnh tranh lành mạnh về giá thành".
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hải Bình Dương, cho biết, bình thường với container 40 feet lạnh, nếu đi tàu thủy thì cước phí chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm, còn đi đường hàng không thì chi phí sẽ tăng gấp hai lần. Mặt khác, vận tải đường biển phục vụ xuất khẩu phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài. "Không riêng gì công ty tôi, các doanh nghiệp phía Nam rất vui vì bây giờ có đường sắt, ra ga Sóng Thần, hàng hóa đi một mạch thẳng qua Trung Quốc. Một phương thức vận chuyển hàng hóa này chẳng khác nào phao cứu sinh, là đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản. Nếu như trước đây, hàng hóa vận chuyển qua Trung Quốc phải mất khoảng 10 ngày, bây giờ chỉ vài ngày đã tới nơi”- ông Hải nói.