Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tàu Chandrayaan-3 đáp xuống Mặt Trăng và hành trình chinh phục vũ trụ của Ấn Độ

Như lời Lão Tử: "Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân", hành trình chinh phục vũ trụ của New Delhi được Thủ tướng Ấn Độ Pt. Jawaharlal Nehru rất chú trọng.

Ủy ban này được đổi thành Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) năm 1969. Kể từ đó, dưới sự lãnh đạo có tầm nhìn của Tiến sĩ Vikram Sarabhai – người được coi là "cha đẻ" của chương trình không gian Ấn Độ - ISRO đã bắt đầu hành trình khám phá vũ trụ đầy tham vọng.

Ý tưởng của Ấn Độ về sứ mệnh lên Mặt Trăng lần đầu tiên được nêu ra năm 1999 trong cuộc họp của Viện Hàn lâm Khoa học Ấn Độ. Ngay sau đó, ISRO đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm Sứ mệnh Mặt Trăng quốc gia.

Tháng 4/2003, hơn 100 nhà khoa học Ấn Độ nổi tiếng trong các lĩnh vực khoa học hành tinh và vũ trụ, khoa học Trái Đất, vật lý, hóa học, thiên văn học, vật lý thiên văn, kỹ thuật và khoa học truyền thông đã thảo luận và thông qua khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm để phóng tàu thăm dò của Ấn Độ lên Mặt Trăng.

Phát biểu nhân Ngày Độc lập 15/8/2003, Thủ tướng Ấn Độ khi đó Atal Bihari Vajpayee đã công bố dự án Chandrayaan-1. Sứ mệnh này là bước thúc đẩy lớn cho chương trình không gian của Ấn Độ.

Tàu đổ bộ Vikram của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã hạ cánh thành công xuống cực Nam của Mặt Trăng ngày 23/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ các nhà khoa học thuộc ISRO, tháng 10/2008, Ấn Độ đã phóng thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-1 vào quỹ đạo Mặt Trăng. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh lúc đó phát biểu rằng đây là “thời khắc lịch sử và bước đi đầu tiên trong chương trình vũ trụ của đất nước”.

Vào tháng 8/2009, Chandrayaan-1 mất liên lạc với trạm mặt đất khi đang bay cách bề mặt Mặt Trăng 200 km. Mặc dù cuộc thăm dò dự kiến kéo dài 2 năm nhưng nhiều vấn đề kỹ thuật đã rút ngắn tuổi thọ của tàu vũ trụ xuống chỉ còn 312 ngày.

Sứ mệnh đầu tiên của Ấn Độ phóng tàu vũ trụ ra ngoài Trái Đất đã phát hiện nước trên bề mặt Mặt Trăng. Phát hiện mang tính đột phá này đã định hình lại hiểu biết chung về vệ tinh Trái Đất, đồng thời tác động mạnh tới kế hoạch khám phá vũ trụ của cả Mỹ và Trung Quốc. 95% mục tiêu đặt ra cho sứ mệnh Chandrayaan-1 đã đạt được. Dự án là một bước tiến lớn không chỉ đối với ISRO mà còn đối với thế giới, mở đường cho những cuộc thám hiểm Mặt Trăng trong tương lai.

Sau thành công của Chandrayaan-1, con đường cho Chandrayaan-2 đã trở nên thông thoáng hơn, để 9 năm sau, ngày 22/7/2019, tàu vũ trụ Chandrayaan-2 được phóng từ cùng bệ phóng mà Chandrayaan-1 đã cất cánh trước đó, nhằm hướng tới mục tiêu hạ cánh nhẹ nhàng xuống cực Nam của Mặt Trăng.

Thay vì sử dụng Phương tiện phóng vệ tinh địa cực (PSLV) như trước, Chandrayaan-2 đã sử dụng phương tiện phóng vệ tinh không đồng bộ địa chất tiên tiến Mark III (GSLV Mk III). Con tàu đã bay tới quỹ đạo Mặt Trăng như dự kiến. Theo lịch trình, trạm đổ bộ và xe tự hành hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng nhưng đã bị chệch khỏi đường bay định trước do trục trặc phần mềm. Mặc dù vậy, tàu vẫn tiếp tục các hoạt động nghiên cứu Mặt Trăng từ quỹ đạo.

Về cơ bản, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 gần như giống hệt Chandrayaan-2 ngoại trừ phần mềm đã được nâng cấp. Ngay sau khi phương tiện này được phóng thành công ngày 14/7/2023, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ: "Chandrayaan-3 viết nên một chương mới trong cuộc phiêu lưu vào vũ trụ của Ấn Độ. Con tàu bay cao, nâng cánh cho ước mơ và tham vọng của mọi người dân Ấn Độ. Thành tựu trọng đại này là minh chứng cho cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà khoa học (Ấn Độ)”.

Phát biểu ngay sau thời khắc lịch sử tàu vũ trụ Ấn Độ hạ cánh mềm thành công xuống bề mặt Mặt Trăng, Thủ tướng Modi khẳng định: “Đây là chiến thắng vang dội cho một Ấn Độ mới”. Bên cạnh đó, ông cho rằng thành công này là bình minh của một kỷ nguyên mới, thành công này không chỉ của riêng Ấn Độ mà của cả thế giới, của toàn nhân loại.

Như vậy, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống bề mặt Mặt Trăng cùng với Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc, song là quốc gia đầu tiên viết nên lịch sử ngành vũ trụ thế giới khi đặt chân lên cực Nam của Mặt Trăng - nơi vẫn là khu vực chưa được khám phá, nhờ đó sẽ hỗ trợ hiểu biết về bầu khí quyển của Mặt Trăng và mở đường cho các chương trình thám hiểm không gian trong tương lai. Thành công này đã giúp Ấn Độ củng cố sức mạnh ngày càng tăng trong lĩnh vực không gian và công nghệ.

Để có được thành công trên, ISRO đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo. Từ việc phải “nhờ” Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên Aryabhata vào năm 1975, đến năm 1980, ISRO đã tạo được đột phá khi phóng thành công Rohini, vệ tinh đầu tiên do Ấn Độ phát triển, lên quỹ đạo bằng Phương tiện phóng Vệ tinh (SLV). Đây là một thành tựu quan trọng, đánh dấu việc Ấn Độ gia nhập nhóm các quốc gia có khả năng phóng vệ tinh của riêng mình.

Tính tới nay, ISRO đã phóng 124 tàu vũ trụ, bao gồm 3 tàu tới Mặt Trăng và một tới Sao Hỏa, đồng thời hỗ trợ phóng 424 vệ tinh từ các nước khác. Tên lửa đẩy hạng nặng PSLV là lựa chọn hàng đầu cho dịch vụ bay chung, từng triển khai 104 vệ tinh trong một lần phóng vào năm 2017, giữ kỷ lục thế giới cho tới khi bị sứ mệnh Transporter-1 của SpaceX phá vỡ vào năm 2021.

Chương trình không gian của Ấn Độ nổi bật vì nhấn mạnh vào công nghệ bản địa. Sự phát triển của các phương tiện phóng PSLV và GSLV là những thành tựu đáng chú ý. Việc thử nghiệm thành công GSLV Mark III, có khả năng mang tải trọng nặng hơn, càng khẳng định sự tự lực của Ấn Độ trong công nghệ vũ trụ, đồng thời cho thấy ISRO đã làm chủ công nghệ đẩy hạng nặng. Dựa trên thành tựu đó, Chandrayaan-3 đã nâng tầm công nghệ, hé lộ tương lai Ấn Độ có thể hoàn toàn phát triển các sứ mệnh Mặt Trăng trong khả năng của mình.Điều đáng nói là để đạt được thành công vang dội này, các nhà khoa học Ấn Độ đã phải trải qua vô vàn khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức đó phải kể đến sự “eo hẹp” về tài chính.

Ngân sách dành cho ISRO giai đoạn 2023 - 2024 là 1,5 tỷ USD, giảm 8% so với ước tính ngân sách trước đó. Trong khi đó, cùng tài khóa, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận được kinh phí 25,4 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.  Do “eo hẹp” tài chính nên sứ mệnh Chandrayaan-3 chỉ được phân bổ khoảng 75 triệu USD, xấp xỉ 1/3 của khoản 200 triệu USD mà Nga chi cho tàu Luna-25.

Một thành công vang dội nữa của ISRO với mức chi phí thấp là Sứ mệnh tàu vũ trụ bay quanh quỹ đạo Sao Hỏa (MOM), hay còn gọi là Mangalyaan, vào năm 2013. Điều khiến MOM nổi bật không chỉ ở thực tế đây là nỗ lực đưa tàu thăm dò tới Sao Hỏa thành công đầu tiên mà còn vì nhiệm vụ có chi phí cực thấp, chỉ 74 triệu USD. MOM hoạt động trên quỹ đạo trong 8 năm, quan sát bề mặt Sao Hỏa liên tục cho tới khi ngừng hoạt động vào năm 2022.

Những thành công nêu trên đã cho thấy khả năng tối ưu hóa nguồn lực của ISRO trong nỗ lực đạt được các mục tiêu sứ mệnh.

Với thành công của Chandrayaan-3, các nhà phân tích kỳ vọng lĩnh vực vũ trụ của Ấn Độ sẽ tận dụng được danh tiếng về công nghệ giá rẻ, đặc biệt khi nước này đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần thị phần trên thị trường phóng quốc tế trong thập niên tới.

Những thành tựu của Ấn Độ trong không gian là minh chứng cho năng lực và quyết tâm khoa học của quốc gia Nam Á này. Những thành tựu này không chỉ nâng cao hiểu biết khoa học mà còn có những ứng dụng thực tế cho cuộc sống hằng ngày. Khi Ấn Độ tiếp tục hành trình vào vũ trụ, người ta có thể mong đợi những khám phá và tiến bộ mang tính đột phá hơn nữa trong công nghệ, đồng thời truyền cảm hứng cho một thế hệ nhà khoa học mới và định vị quốc gia này là một cường quốc không gian toàn cầu.

Nguồn:

Tin mới