Nếu không có cơn giận dữ của cộng đồng mạng dẫn đến việc bị truy tìm tung tích và xử phạt, chưa chắc tài xế Vũ Thế Phương (44 tuổi, trú tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đã cảm thấy hối hận vì đã cố tình đánh võng trên đường, không cho xe cấp cứu vượt lên. Vì thế, thật dễ hiểu khi nhiều độc giả VTC News tỏ ý không chấp nhận lời trần tình, xin lỗi của anh ta khi bình luận dưới thông tin đăng tải.
Phương biện minh do có việc gấp nên không nhường đường xe cứu thương chở một phụ nữ đang bị vỡ gan, tràn dịch màng phổi, phải thở máy, dù xe đang phát tín hiệu ưu tiên. Anh ta mong được gia đình bệnh nhân thông cảm, thứ lỗi.
Hình ảnh từ clip cho thấy xe tải cố tình tạt đầu, không chịu nhường đường cho xe cứu thương đang chở người phụ nữ nguy kịch.
“Nhường đường cũng không hề làm chậm công việc của mình. Sự bao biện thật trơ trẽn, cần phải xử nặng hơn!”; “May mà bệnh viện cứu sống người ta kịp thời, nếu không kịp thì có ngàn lời xin lỗi của ông cũng vô ích! Hành vi coi rẻ mạng sống người khác và coi thường luật giao thông của ông cần bị truy tố chứ phạt có mấy triệu đồng chỉ như gãi ngứa mà thôi”; “Nên sửa Luật Hình sự để tăng nặng hình phạt đối với những kẻ vô nhân, vô cảm, bất chấp pháp luật, bất chấp tính mạng người khác. Nghĩ sao nếu trong xe đó là cha, mẹ, vợ con của chính mình?”… là những bình luận của độc giả VTC News, cùng quan điểm với rất nhiều người khác trên mạng xã hội khi bàn về vụ việc này.
Những kẻ ngang ngược, càn quấy đánh võng trên đường, cố tình dềnh dàng nhất định không cho xe khác vượt qua… lâu nay xuất hiện rất nhiều. Nhưng táng tận lương tâm đến mức cản đường cả xe cấp cứu thì vượt quá khả năng chấp nhận của cộng đồng. Hành vi này chỉ có thể xuất phát từ kẻ máu lạnh, coi sinh tử của người khác như trò đùa. Bất kỳ ai cũng biết người nằm trong xe cấp cứu là bệnh nhân đang cần được cứu chữa khẩn cấp, họ có thể mất đi tính mạng hoặc tàn phế suốt đời nếu không đến được bệnh viện kịp thời. Hình ảnh trong clip cho thấy chiếc xe tài không chịu đi nhanh, cũng không chịu nép vào trong mà cứ lấn ra giữa đường một cách cố ý để xe cấp cứu không thể vượt lên, đâu phải là kiểu cách của người đang vội vì việc gấp?
Mà liệu có việc gì gấp gáp bằng cứu người đang nguy kịch? Cho dù có vội đến đâu, việc quan trọng cỡ nào, hành vi của tài xế này vẫn là không thể bào chữa, không thể dùng từ nào khác hơn là “ác” và “thất đức”. Cản trở cứu người cũng là hại người, sao có thể đòi hỏi sự thông cảm và tha thứ?
Tài xế Phương sẽ bị xử phạt 6 - 8 triệu đồng với lỗi điều khiển ô tô không nhường đường cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu và 10 - 12 triệu đồng với lỗi không có giấy phép lái xe. Nếu lời xin lỗi của anh ta chỉ để đối phó với cơn phẫn nộ của cộng đồng trong khi bản thân không thực sự sám hối, thì việc bị phạt này cũng chỉ đơn giản là đánh vào nỗi sợ mất tiền. Để một cá nhân không trở thành nguy hiểm cho xã hội, cái cần phải có chính là nỗi sợ phương hại đến người khác, sợ gây nguy hiểm, làm tổn thương đồng loại. Đó mới thực sự là sợi dây cương níu giữ con người khi có nguy cơ thực hiện những hành vi sai trái. Hy vọng rằng với những người như tài xế Phương, không phải án phạt hành chính mà sự lên án của dư luận, phản ứng của cộng đồng sẽ khiến anh ta thức tỉnh, để tự mình hình thành sợi dây cương này.
Còn về sự can thiệp của pháp luật, có lẽ vẫn cần những biện pháp có khả năng ngăn chặn cao hơn, như tịch thu dài hạn hoặc không cấp giấy phép lái xe, thậm chí xem xét xử lý hình sự, bởi về bản chất, ngăn cản cứu người không khác mấy với tội giết người.
Tối 17/10, mạng xã hội chia sẻ clip ghi cảnh xe tải “đánh võng”, tạt đầu, không cho xe cứu thương của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang (đang hú còi, nháy đèn liên tục) vượt lên. Xe này đang chở một phụ nữ bị trâu húc dẫn tới vỡ gan, tràn dịch màng phổi, phải thở máy tới Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Cũng tối đó, công an xác định người lái xe tải là Vũ Thế Phương. Ngày 18/10, tài xế này bị lập biên bản xử lý. Còn nữ bệnh nhân sức khỏe đã ổn định sau phẫu thuật..
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.