Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tăng cường kiểm tra bếp ăn tập thể, kinh doanh thực phẩm qua mạng

Đây là nội dung được Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP thống nhất tại cuộc họp chiều 27/12, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đánh giá chung về công tác ATTP trong năm 2022, đại diện Bộ Y tế (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo) cho biết ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất tiếp tục nâng lên, do đó, trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm việc sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục đã giảm; nguyên liệu đưa vào trong quá trình chế biến, sản xuất thực phẩm ngày càng được đảm bảo về ATTP. Việc kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.

Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các siêu thị, trung tâm thương mại đã có ý thức trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATTP như thực hiện các quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, khám sức khỏe cho người lao động, cập nhật kiến thức ATTP, sắp xếp, bảo quản hàng hóa.

Đến nay, cả nước đã phát triển 1.702 chuỗi giá trị cung ứng nông sản thực phẩm đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (tăng 58 chuỗi so với năm 2021) với sự tham gia của một số tập đoàn lớn; 463.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng 33.000 ha so với cùng kỳ năm 2021); 85.996 ha nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021); 955 trang trại và 2.413 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (cùng kỳ năm 2021 có 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi).

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng cần siết lại công tác ATTP có dấu hiệu chuệch choạc tại một số địa phương. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể hạn chế dàn trải, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tính đến ngày 5/12, ngành y tế đã kiểm tra 326.754 cơ sở, phát hiện 35.292 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 11,02% số cơ sở được kiểm tra); đã xử lý 7.692 cơ sở (chiếm 21,26% số cơ sở vi phạm), tổng số tiền phạt hơn 75,566 tỷ đồng.

Ngành NN&PTNT đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 36.134 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 2.224 cơ sở  với số tiền phạt 21,1 tỷ đồng.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 4.331vụ, xử lý 3.321 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính hơn 12,63 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng. Ngoài ra Bộ Công thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã thực hiện rà soát và gỡ bỏ 1.955.844 sản phẩm thực phẩm được cảnh báo không an toàn, xử lý 1.145 gian hàng vi phạm.

"Hoạt động kinh doanh thực phẩm trực tuyến là vấn đề mới xuất hiện, đang rất khó quản lý", Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong trao đổi.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nhận xét có hiện tượng manh nha quay trở lại tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng" tại một số địa phương; cần tổ chức tập huấn cho cán bộ công tác quản lý an toàn thực phẩm từ cấp cơ sở để nắm sát đầu việc…

Thời gian vừa qua, lực lượng công an đã khởi tố nhiều vụ án về sản xuất thực phẩm chức năng, vận chuyển thực phẩm bẩn…

Tính đến ngày 15/11, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện 8.514 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, trong đó 7924 cá nhân và 642 tổ chức; khởi tố 23 vụ/21 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 8.162 vụ với 7.573 cá nhân, 610 tổ chức, phạt tiền hơn 44 tỷ đồng.

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong dân cư gây ô nhiễm vệ sinh môi trường và không đảm bảo vệ sinh ATTP. Cả nước mới có 456 cơ sở giết mổ động vật tập trung, còn trong gần 23.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chỉ có 35% số cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hơn 15% đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá sau khi Quốc hội có chương trình giám sát tối cao về ATTP (năm 2017), các bộ, ngành, địa phương vào cuộc rất quyết liệt, tình hình ATTP có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhất là trong 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công tác quản lý ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có dấu hiệu chuệch choạc ở một số địa phương, cần được siết lại.

Việc nhập khẩu, sản xuất vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, vận chuyển thực phẩm bẩn còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương .

Hoạt động kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn vẫn gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng thiếu niềm tin, kênh phân phối còn ít, yếu, thiếu sức cạnh tranh. Số lượng nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng từ sản xuất đến sơ chế còn thiếu...

Đáng chú ý, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, ngộ độc rượu diễn biến vẫn còn phức tạp. Tính đến hết ngày 15/12/2022, toàn quốc ghi nhận 59 vụ NĐTP làm 1440 người mắc và 28 trường hợp tử vong.

NĐTP tại bếp ăn gia đình, NĐTP tại bếp ăn tập thể KCN/KCX, NĐTP tại đám cưới/giỗ/liên hoan, NĐTP do thức ăn đường phố giảm nhiều về số vụ, số mắc. Riêng về ngộ độc rượu, trong năm 2022 đã ghi nhận 14 vụ ngộ độc rượu làm 79 người mắc và 18 người tử vong, so với năm 2021, số vụ tăng 6 vụ, số mắc tăng 36 người và tử vong tăng 8 người.

Các địa phương cần tăng cường kiểm tra những nơi tổ chức bếp ăn tập thể (cơ quan, nhà máy, trường học, bệnh viện…) trên tinh thần người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra NĐTP.

Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương ban hành hướng dẫn, có giải pháp dễ nhận diện cồn công nghiệp như dùng chỉ thị màu để phân biệt.

Công tác thanh tra, kiểm tra tại các chợ thực phẩm tươi sống, tại các chợ cần được tăng cường, kết hợp các hình thức xét nghiệm để cảnh bảo sớm nhất cho người tiêu dùng.

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo sẽ tiến hành sơ kết các chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam…,trên cơ sở đó tập trung vào củng cố những kết quả đã đạt được trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm nhỏ lẻ; xây dựng hệ thống thông tin an toàn thực phẩm (các cơ sở chế biến thực phẩm, chợ, siêu thị, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm…).

Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đơn giản hoá các thủ tục kiểm tra liên ngành đối với nông sản, thực phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, đồng thời bảo đảm an toàn, chất lượng; khuyến khích phát triển nông sản an toàn, hữu cơ, chuỗi giá trị thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn…; tăng cường quản lý và đưa dần vào nếp các hoạt động kinh doanh thực phẩm trực tuyến, nhất là hoạt động vận chuyển đồ ăn phải bảo đảm an toàn…

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Tin mới