Ngày 15/8, lực lượng Taliban đã kiểm soát Afghanistan, đồng thời chặn mọi tuyến đường dẫn tới thủ đô Kabul. Các nước phương Tây bắt đầu quá trình sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân khỏi quốc gia Trung Á này. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani rời khỏi đất nước trong cùng ngày, khẳng định lý do ra đi để tránh "đổ máu thêm".
Đến tối ngày 15/8, quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal cho biết sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho Taliban. Nhưng trước tuyên bố muốn giành mọi quyền kiểm soát của nhóm lãnh đạo lực lượng Taliban, cuộc chuyển giao này chưa biết sẽ ra sao.
Máy bay trực thăng Mỹ trên bầu trời Kabul. Mỹ muốn sơ tán nhân viên khỏi Afghanistan trong vòng 72 giờ tới. (Ảnh: AP)
Taliban là ai?
Taliban lâu nay được biết đến như là một lực lượng Hồi giáo cực đoan muốn thành lập quốc gia mang tên Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Taliban có nguồn gốc từ các nhóm phiến quân Hồi giáo "mujahedeen" của Afghanistan trong thập niên 1980. Các nhóm phiến quân này được một loạt cường quốc, bao gồm Mỹ, tài trợ và trang bị vũ khí để chống lại quân đội Liên Xô và chính quyền do Moskva hậu thuẫn thời điểm đó.
Lực lượng Taliban những ngày đầu được xây dựng từ các bộ tộc người Pashtun sinh sống chủ yếu ở vùng tây bắc Pakistan. Taliban xuất phát từ tiếng Pashto có nghĩa là “sinh viên”. Người Pashtun cũng là dân tộc chiếm đa số ở Afghanistan.
Phong trào Taliban đã thu hút sự ủng hộ của quần chúng Afghanistan sau khi Liên Xô rút quân (1989) bằng lời hứa sẽ thiết lập sự ổn định và pháp quyền sau bốn năm xung đột (1992–1996) giữa các nhóm vũ trang Hồi Giáo.
Taliban bắt đầu khuếch trương lực lượng khi tiến vào Kandahar vào tháng 11/1994 trước làn sóng tội phạm ở thành phố này và nhanh chóng vãn hồi tình hình. Tiếng tăm của Taliban càng được biết đến nhiều hơn khi họ chiếm thủ đô Kabul vào tháng 9/1996 từ tay Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani, một người dân tộc Tajik mà lực lượng này cho là có tư tưởng chống lại người Pashtun và tham nhũng.
Các tay súng Taliban trong một buổi lễ phô trương thanh thế vào năm 2020. (Ảnh: Getty)
"Bóng ma" Taliban gây khiếp sợ
Khi lên nắm quyền, Taliban bắt đầu quên những lời hứa ban đầu, áp đặt những luật lệ hà khắc trong lúc cố gắng củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ. Triết lý về luật pháp của Taliban được rút ra từ bộ quy tắc tiền Hồi giáo của người Pashtun và các cách diễn giải luật Hồi giáo Sharia.
Chính quyền này bỏ bê các dịch vụ xã hội và các chức năng cơ bản khác của nhà nước nhưng thực thi các lệnh cấm đối với hành vi mà Taliban coi là phi Hồi giáo. Luật yêu cầu phụ nữ phải mặc burqa từ đầu đến chân, hoặc chadri; cấm âm nhạc và truyền hình; bỏ tù những người đàn ông có bộ râu được coi là quá ngắn.
Phụ nữ không được làm việc, nữ sinh bị cấm đi học và phải che mặt ở nơi công cộng, luôn có nam giới họ hàng đi cùng nếu họ muốn rời khỏi nhà.
Những phụ nữ vi phạm quy tắc đôi khi phải chịu sự sỉ nhục và đánh đập công khai từ cảnh sát tôn giáo của Taliban. Taliban cũng thực hiện các vụ hành quyết công khai, chặt tay những tên trộm và ném đá những phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.
Sau khi Taliban bắt đầu nổi dậy, chưa có thông tin nào về các biện pháp cực đoan trên xuất hiện tại các khu vực mà Taliban kiểm soát. Nhưng nhiều vụ việc được báo cáo gần đây liên quan đến cách Taliban đối xử với phụ nữ và trẻ em gái cho thấy lực lượng này nhiều khả năng sẽ sử dụng lại các luật lệ hà khắc như trước đây.
Một số người Afghanistan phải rời khỏi nhà trong các cuộc giao tranh giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan. (Ảnh: Reuters)
Ngoài các luật lệ hà khắc với phụ nữ, Taliban cũng bị cáo buộc thảm sát dân thường trong quá trình giành kiểm soát tại các thành phố, buôn bán người, phân biệt đối xử với cộng đồng thiểu số, phá hủy văn hóa của một số cộng đồng.
Giai đoạn thống trị của Taliban từ năm 1995 tại Afghanistan chấm dứt với sự can thiệp của Mỹ vào năm 2001. Taliban đứng sau hỗ trợ tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, thủ phạm gây nên vụ khủng bố ngày 11/9 nhằm vào nước Mỹ.
Dù vậy, trong suốt 20 năm, Taliban vẫn duy trì một bộ máy riêng, một "chính phủ ngầm" cai quản 34 tỉnh trong cả nước. Tồn tại song song với chính quyền ở thủ đô Kabul, thậm chí nhiều thời điểm Taliban gây khó dễ cho chính phủ và cả liên quân nước ngoài.
Kể từ năm 2006, lực lượng Taliban bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ tập hợp và huy động các tay súng để gây rối, tổ chức tấn công vào lực lượng nước ngoài.
Từ năm 2001, đã có hơn 40.000 dân thường thiệt mạng vì các cuộc giao tranh giữa Taliban và liên quân do Mỹ đứng đầu. Ít nhất 64.000 binh sĩ thuộc quân đội và cảnh sát Afghanistan thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Số binh sĩ liên quân thiệt mạng ở Afghanistan sau 20 năm lên đến 3.500 người.
Một tay súng Taliban tại thành phố Ghazni, Afghanistan. (Ảnh: Reuters)
Ai hỗ trợ Taliban?
Taliban chủ yếu kiếm được nguồn thu tài chính thông qua các hoạt động tội phạm, bao gồm trồng cây thuốc phiện, buôn bán ma túy, tống tiền các doanh nghiệp địa phương và bắt cóc, theo nhóm giám sát của Liên hợp quốc. Ước tính "thu nhập" hàng năm của lực lượng này dao động từ 300 triệu đến 1,6 tỷ USD. Taliban được cho là kiếm được khoảng 460 triệu USD từ việc trồng cây thuốc phiện vào năm 2020.
Taliban cũng "đánh thuế" đối với các hoạt động thương mại trên lãnh thổ mình kiểm soát, chẳng hạn như trồng trọt và khai thác mỏ. Khi giành được quyền kiểm soát đối với nhiều cửa khẩu biên giới hơn, lực lượng này tăng thu thuế quan lên hàng nghìn USD mỗi ngày. Taliban cũng bổ sung nguồn tài chính từ việc khai thác khoáng sản bất hợp pháp và các khoản đóng góp từ nước ngoài, bất chấp các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Liên hợp quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng Pakistan hỗ trợ các tay súng Taliban ở các khu vực phía Tây để cố gắng chống lại ảnh hưởng của Ấn Độ. Nhưng Islamabad nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.
Đóng góp tài chính bí mật cho Taliban còn đến từ các nhà tài trợ tư nhân và các tổ chức quốc tế trên toàn cầu.
Nhiều khoản đóng góp của Taliban là từ các tổ chức từ thiện và quỹ tín thác tư nhân ở các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, một khu vực có lịch sử thiện cảm với phong trào nổi dậy tôn giáo của Taliban.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Nghiên cứu Afghanistan, những khoản đóng góp này lên tới khoảng 150 - 200 triệu USD mỗi năm. Các tổ chức từ thiện này nằm trong danh sách các nhóm tài trợ khủng bố của Bộ Tài chính Mỹ.
Các công dân với tư cách cá nhân từ Ả-rập Xê-út, Pakistan, Iran và một số quốc gia vùng Vịnh cũng hỗ trợ tài chính cho Taliban, theo các cơ quan chống khủng bố của Mỹ.