Đeo nhẫn cưới vốn là truyền thống của các nước phương Tây nhưng từ lâu đã là một nghi thức được áp dụng khắp thế giới. Nhẫn cưới là biểu tượng của tình yêu và sự gắn kết, ràng buộc hai người yêu nhau bằng hôn nhân. Trên thực tế, rất nhiều người không biết tại sao nhẫn cưới phải đeo ở ngón áp út của bàn tay trái dù vẫn tuân theo quy ước này.
Thật ra, các nền văn hóa khác nhau có truyền thống đeo nhẫn cưới theo cách khác nhau. Ở Ấn Độ, nhẫn cưới được đeo ở tay phải chứ không phải tay trái. Còn với người Do Thái và Chính thống giáo Đông phương, nhẫn cưới được đeo ở ngón trỏ hoặc ngón giữa thay vì ngón áp út.
Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là đeo nhẫn cưới ở ngón áp út hay bàn tay trái. Truyền thống này được cho là bắt nguồn từ thời cổ đại, từ niềm tin của người Ai Cập rằng “mạch máu tình yêu” chạy thẳng từ ngón áp út của bàn tay trái đến trái tim. Họ tin rằng việc đeo nhẫn ở ngón tay này sẽ tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu. Niềm tin đó được truyền lại cho người Hy Lạp và La Mã - những người cũng đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái vì lý do tương tự.
Nhiều người không hiểu tại sao nhẫn cưới phải đeo ở ngón áp út. (Ảnh: Paraguayeduca)
Với người Kitô giáo, nhẫn cưới tượng trưng cho sự kết hợp giữa người đàn ông và người phụ nữ trong hôn nhân. Đường viền tròn của chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu bất tận của cặp đôi, còn khoảng trống tròn ở giữa tượng trưng cho cánh cổng dẫn tới tương lai. Nhẫn cưới được đeo ở ngón áp út của bàn tay trái trong lễ cưới tượng trưng cho sự cam kết của cặp đôi với nhau và với Chúa.
Người phương Tây thời xưa tin rằng tay trái gần tim hơn tay phải, ngón thứ tư trên bàn tay trái chạy thẳng đến tim. Họ đặt biệt danh cho nó là vena amoris - “mạch máu tình yêu”. Vì thế, thật hoàn hảo khi thể hiện tình yêu của cặp đôi dành cho nhau bằng cách đeo nhẫn cưới vào ngón tay đó. Mặc dù ngày nay, các nhà khoa học cho biết mỗi ngón tay đều có tĩnh mạch nối hệ thống tuần hoàn và tới tim, truyền thống đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái vẫn không thay đổi.
Việc đeo nhẫn cưới ở vị trí này cũng đem lại sự tiện lợi khi xét về ý nghĩa thực tế. Hầu hết mọi người thuận tay phải và làm rất nhiều việc bằng tay phải. Việc đeo nhẫn ở tay trái giúp nó ít bị hư hỏng hoặc thất lạc hơn trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, cũng ít gây bất tiện cho công việc hơn. Ngoài ra, việc đeo chiếc nhẫn ở tay trái khiến người khác dễ nhìn thấy nó hơn, điều này như một lời nhắc nhở về sự cam kết của người đeo với vợ/chồng của họ.
Trong thời hiện đại, có rất nhiều biến thể của nhẫn cưới truyền thống. Một số cặp đôi khắc lên nhẫn tên viết tắt, ngày cưới hoặc một thông điệp đặc biệt. Nhiều người chọn vật liệu phi truyền thống, chẳng hạn như vonfram hoặc titan. Một số cặp đôi thậm chí còn thay chiếc nhẫn cưới thật bằng hình xăm trên ngón đeo nhẫn. Dù có nhiều biến thể, việc đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái vẫn là truyền thống phổ biến nhất.
Cho dù đó là chiếc nhẫn vàng đơn giản hay nhẫn đính kim cương cầu kỳ, nhẫn cưới luôn là lời nhắc nhở thường xuyên về tình yêu và sự cam kết mà hai người chia sẻ, là biểu hiện vật chất của mối quan hệ gắn bó suốt đời giữa đôi vợ chồng.