Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhiều người suy đoán Mỹ có thể tìm cách cung cấp máy bay tấn công mặt đất A-10 Warthog cho Lực lượng vũ trang Ukraine như một phần của các gói viện trợ vũ khí cho chính quyền Kiev.
Chiếc máy bay này đã được 45 tuổi, nó được đưa vào sử dụng lần đầu tiên từ năm 1977. A-10 được thiết kế trong Chiến tranh Lạnh với mục đích chống lại đội hình thiết giáp của Liên Xô và cho đến nay A-10 vẫn là máy bay hỗ trợ trên không hàng đầu của phương Tây.
Những suy đoán về khả năng Mỹ chuyển giao máy bay A-10 dựa trên thực tế Không quân Mỹ đã loại biên một số lượng lớn loại này. Bên cạnh đó, những chiếc A-10 vẫn còn thời gian hoạt động và được cho là rất phù hợp với điều kiện trên chiến trường Ukraine.
Chi phí vận hành và nhu cầu bảo trì của A-10 cho đến nay là thấp nhất so với bất kỳ máy bay chiến đấu có người lái nào của Mỹ và chỉ tương đương với các máy bay của Liên Xô. Mặc dù không có khả năng như máy bay chiến đấu như F-16, nhưng A-10 rất thích hợp để hoạt động gần tiền tuyến trong thời gian ngắn hoặc tại các sân bay tạm thời.
Máy bay chiến đấu A-10 Thunderbolt II.
Lý do
Trở ngại ban đầu trong việc cung cấp A-10 cho Ukraine là do vũ khí chính của chiếc máy bay này. Nó vốn là pháo quay bảy nòng GAU-8 sử dụng đạn uranium nghèo có khả năng xuyên thủng áo giáp của các phương tiện thiết giáp hiện đại. Mặc dù Anh đã cung cấp loại đạn gây tranh cãi này cho Ukraine từ đầu năm 2023, tuy nhiên phía Mỹ vẫn không đồng ý.
Tờ Telegraph cũng đưa ra lý do Mỹ từ chối cung cấp A-10 tới Ukraine, trong đó nhấn mạnh Washington không muốn đánh mất danh tiếng trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là sau khi có nhiều vũ khí của cả Mỹ và phương Tây chịu thiệt hại nặng trên chiến trường Ukraine.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, quyết định không cung cấp máy bay tấn công A-10 dựa trên những mối nguy hiểm mà chiếc máy bay này sẽ phải đối mặt trên chiến trường Ukraine. Một viễn cảnh đáng lo ngại khác là hàng chục máy bay do Mỹ sản xuất có thể bị phá hủy ngay tại sân bay mà chưa kịp làm gì để giúp đỡ cho Ukraine.
Điều này nhấn mạnh mật độ phòng không trên mặt đất của quân đội Nga đang gây ra nhiều tổn thất to lớn cho các đơn vị không quân Ukraine. Từ cuối năm 2022, các nguồn tin phương Tây nhấn mạnh rằng, mối đe dọa đối với máy bay Ukraine đã gia tăng đáng kể do Nga triển khai các máy bay đánh chặn MiG-31BM, được trang bị tên lửa không đối không R-37M, loại tên lửa có tầm hoạt động xa nhất thế giới, khiến các căn cứ của Ukraine luôn trong tình trạng báo động.
Khả năng sống sót của A-10 ở Ukraine đặc biệt đáng nghi ngờ, khi xem xét thành tích chiến đấu của chiếc máy bay này vào năm 1991 trong Chiến tranh vùng Vịnh. Bởi lực lượng phòng không tầm ngắn của Iraq cũng đã khiến 20 chiếc A-10 bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, khiến chiếc máy bay này phải dừng các hoạt động tác chiến trên chiến trường.
Điều này là đáng lo ngại, bởi khả năng phòng không của Iraq khi đó được đánh giá là khá yếu và lực lượng vũ trang của quốc gia này phần lớn đang trong tình trạng hỗn loạn. Đáng chú ý, Mỹ cũng đã tìm cách tránh thiệt hại đối với các tài sản quân sự của mình bằng cách kiểm soát cẩn thận cách chúng được triển khai, đặc biệt sau khi xe tăng Leopard 2 của Đức và xe tăng Challenger 2 của Anh đã chịu tổn thất nặng nề ở Ukraine.
Pháo chính GAU-8 trên máy bay A-10.
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ không chỉ được giao cho Ukraine muộn hơn nhiều so với xe tăng Anh và Đức, mà chúng chỉ được hoạt động tại các khu vực cách xa tiền tuyến. Các phương tiện chiến đấu Bradley của Mỹ được triển khai trên tiền tuyến đã chịu tổn thất nặng nề với hơn 70 chiếc ước tính đã bị phá hủy hoặc bị bắt giữ, mặc dù những phương tiện chiến đấu này được cho là ít quan trọng hơn nhiều đối với hình ảnh của ngành quốc phòng Mỹ.
Mối đe dọa từ phòng không Nga
Lo sợ tổn thất nặng nề cũng được cho là lý do chính khiến Mỹ miễn cưỡng hơn nhiều so với các đồng minh châu Âu, trong việc cho phép chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 sang Ukraine.
Các quan chức Mỹ cũng liên tục hạ thấp tầm quan trọng của các cuộc tấn công đã được xác nhận của Nga, nhằm vào các hệ thống phòng không Patriot ở Ukraine, vốn là hệ thống vũ khí đắt tiền và cao cấp nhất từng được chuyển giao cho nước này.
Tên lửa 40N6 của hệ thống S-400.
Lực lượng phòng không Nga đã từng lập kỷ lục về phạm vi mà họ có thể tiêu diệt mục tiêu trên mặt đất bằng việc sử dụng hệ thống S-400. Đáng chú ý, hệ thống tên lửa tầm xa nhất mà Nga đang sở hữu là S-500 vẫn chưa từng được sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Mặc dù vị thế của máy bay chiến đấu Nga so với các đối thủ phương Tây và Trung Quốc đã suy giảm đáng kể kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng các hệ thống phòng không trên mặt đất của nước này vẫn được đánh giá là số 1 thế giới.
Lực lượng Không quân Ukraine có thể duy trì các hoạt động chiến đấu đến thời điểm hiện tại là nhờ số máy bay chiến đấu được viện trợ từ các nước phương Tây, bao gồm hàng chục máy bay chiến đấu MiG-29 trước đây từng được Liên Xô xuất khẩu sang các quốc gia Hiệp ước Warsaw vào những năm 1980 và đầu thập niên 1990.