Thiếu máu: Một trong những lý do phổ biến khiến bạn luôn mệt mỏi là thiếu máu. Tình trạng này xảy ra do cơ thể thiếu hụt tế bào hồng cầu vận chuyển oxy tới các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Vấn đề về tuyến giáp: Nếu tình trạng mệt mỏi của bạn đi kèm với tóc khô, da khô, móng tay giòn, bọng dưới mắt, giọng nói khàn, tăng nhịp tim, thay đổi tâm trạng bất thường thì rất có thể tuyến giáp của bạn đang gặp vấn đề. Bởi tuyến giáp thông thường sẽ tiết ra hormone kiểm soát các chức năng chính của cơ thể. Khi bộ phận này không hoạt động bình thường, bạn sẽ thấy mệt mỏi.
Bị tiểu đường: Ngoài mệt mỏi, người bị tiểu đường còn luôn cảm thấy khát nước, đi tiểu thường xuyên, mắt mờ, giảm cân đột ngột và hay cáu kỉnh.
Thiếu hụt vitamin B12: Vitamin B12 là một trong những loại vitamin chính mà cơ thể cần để duy trì mức năng lượng tối ưu. Sự thiếu hụt loại vitamin này sẽ gây mệt mỏi và rối loạn tinh thần.
Thiếu ngủ: Thói quen sinh hoạt kém, ăn uống ngủ nghỉ không đúng giờ, lười vận động sẽ gây mệt mỏi. Do đó, các chuyên gia cảnh báo mỗi người cần ngủ ít nhất 6 giờ mỗi ngày để trí óc hoạt động bình thường và cơ thể luôn khoẻ mạnh.
Căng thẳng: Căng thẳng mãn tính được cho là có tác động tới mức năng lượng của bạn, từ đó gây mệt mỏi. Mặc dù khó tránh khỏi căng thẳng trong cuộc sống nhưng bạn có thể tập yoga hay ngồi thiền để giảm bớt tình trạng này.
Suy nhược: Nếu đột nhiên bạn thấy khó ngủ, thiếu tập trung và luôn có suy nghĩ tiêu cực, không muốn giao tiếp xã hội thì tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ sớm. Bởi rất có thể, bạn đang bị suy nhược cơ thể dẫn tới trầm cảm, mệt mỏi.
Thiếu nước: Việc giữ cho cơ thể luôn đủ lượng nước cần thiết là chìa khoá quan trọng để bảo vệ sức khoẻ của bạn. Nếu thiếu nước, các hoạt động trong cơ thể sẽ bị gián đoạn, khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.