Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sáng 30/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng kết quả cơ cấu lại của các ngành, các địa phương với vai trò "nhạc trưởng" Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.
Đại biểu Hậu mong các địa phương không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc như trước đây, không đưa chương trình, kế hoạch hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm thế nào.
Đề cập đến hướng tiếp cận, đại biểu Hậu cho rằng nên tập trung xác định "nút thắt" của nền kinh tế, của ngành, của địa phương mình, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, khả thi để khơi thông, tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững.
"Vì nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa những "nút thắt" thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc nhưng không giải tỏa được các điểm nghẽn. Cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc xác định đâu là những nút thắt của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn. Những nút thắt này khái quát lên những mâu thuẫn đang hiển hiện trong trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước", đại biểu Hậu nêu quan đểm.
Phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sáng 30/10.
Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, cơ cấu lại nền kinh tế từ khía cạnh nào đó là phải giải quyết được mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển.
Nêu ví dụ về ngành điện, đại biểu Hậu cho rằng điện được coi như máu của nền kinh tế, của sinh hoạt, đời sống của người dân nhưng đang có những mâu thuẫn lớn của ngành này.
"Chỉ một thay đổi về chính sách, đất nước chúng ta từ chỗ luôn lo lắng về thiếu điện đã dư điện. Đó là điện gió, năng lượng mặt trời đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới, lại phần lớn được đầu tư nguồn vốn từ nước. Thế nhưng, đã dấy lên rồi lại phải tạm ngưng phát triển.
Những nơi đã phát điện lại phải cắt giảm công suất phát điện, lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực của xã hội… Những mâu thuẫn ấy là do đâu và nút thắt nào đã khiến cho những những mâu thuẫn ấy vẫn tồn tại bao nhiêu năm qua? Quả thực đó là việc khó. Nhưng việc khó nhất và nút thắt lớn nhất, khó với nhất nằm trong tư duy và quyết tâm chịu làm hay không, dám làm hay không của chính ngành điện và ngành chủ quản", đại biểu Hậu nói.
Đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì sẽ tìm và tháo gỡ được những nút thắt và tạo ra những thay đổi mang tính đột phá. Đó là một phương thức nhằm cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Văn Nghiêm (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, với 5/22 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra như báo cáo đã đánh giá, Chính phủ cần phân tích đánh giá toàn diện nguyên nhân chủ quan, khách quan trong tác động trực tiếp, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Ông Nghiêm cho rằng, để tiếp tục lãnh đạo thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cả thiện môi trường kinh doanh…theo hướng tập trung cả Trung ương lẫn địa phương.
Nhấn mạnh về việc phục hồi ngành du lịch, đại biểu Bùi Văn Nghiêm cho rằng Chính phủ cần tiếp tục ban hành chính sách và triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch.
Cụ thể, cần ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch từ quản lý nhà nước tới quản lý điểm đến, quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường quảng bá xúc tiến bán hàng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở lại du lịch quốc tế, thúc đẩy du lịch nội địa tại các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh gắn với chính sách thu hút đầu tư du lịch, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy, đầu tư tại các vùng khó khăn để khai thác tối đa tiềm năng về du lịch.