Chiều 28/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trong đó, nhiều đại biểu có ý kiến đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2022.
Đề cập hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, dù Điều 22 Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng nhưng vẫn còn một khoảng trống rất khó kiểm soát bởi khối lượng phim trên không gian mạng là quá lớn.
"Do đó, công tác tiền kiểm gặp nhiều khó khăn nhưng nếu chỉ hậu kiểm thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc, hại, không thu hồi được phim có nội dung xấu", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang)
Theo ông Tuấn, phương án hậu kiểm có vẻ khả thi, phù hợp hơn. Tuy nhiên, cần phải rà soát lại các quy định để có sự thống nhất giữa Luật Điện ảnh với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật an ninh mạng.
Cũng thảo luận về vấn đề trên, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái) đồng tình với quy định trong dự án luật, tức là tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm các quy định tại luật, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định của luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. "Nếu thực hiện tiền kiểm rồi mới tiến hành cấp phép phát hành phim, tôi cho rằng không phù hợp với xu thế hiện nay", đại biểu Mào nói.
Góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, sau 15 năm thực hiện, bên cạnh những quy định phù hợp, có đóng góp tích cực, hiệu quả cho Điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập và cần được bổ sung.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 8 Chương và 50 Điều, 4 chính sách là phù hợp, bên cạnh đó dự thảo Luật cũng cơ bản đã khắc phục được những thiếu sót, bất cập, khó thực thi trong thực tiễn.
Đối với việc phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim tại Điều 20, theo bà Huế, tình trạng quay lại phim đang công chiếu, thậm chí là truyền dẫn trực tiếp phim trên các trang mạng xã hội khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà sản xuất phim, rạp chiếu phim và vi phạm bản quyền tác phẩm. Mặc dù có quy định về chế tài xử lý song thực tế việc vi phạm vẫn tiếp diễn.
Do đó, đại biểu tỉnh Bắc Kạn đề nghị bổ sung quy định rạp chiếu phim cũng phải chịu trách nhiệm về việc không đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho nhà sản xuất phim.
Về sản xuất phim đại biểu tỉnh Bắc Kạn lựa chọn phương án giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có nội dung khác).