Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tách Tổng cục Đường bộ làm 2 cục: Nhân sự có bị tinh giản, sắp xếp lại?

(VTC News) -

Bộ GTVT khẳng định, những nhân sự thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc theo đúng chuyên môn của mình ở 2 cục chuyên môn.

Lo tách thành 2 cục sẽ có nhiều người bỏ việc

Theo Nghị định số 56/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT đã quy định, từ ngày 1/10/2022 Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ được kiện toàn lại thành Cục Quản lý đường bộ và Cục Đường cao tốc Việt Nam.

Từ 1/10/2022 sẽ không còn mô hình Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Kể từ khi được thành lập, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện quản lý lĩnh vực đường bộ rất tốt. Do vậy, nhiều ý kiến lo ngại, khi tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ gây lãng phí về nhân lực quản lý. Đặc biệt, là sẽ có những bất cập khi luân chuyển cán bộ từ địa phương này sang địa phương khác.

Cùng đó, nhiều cán bộ, công chức, viên chức tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam lo lắng và quan tâm tới công việc sắp tới sẽ bị điều chuyển đi đâu?

Sự lo lắng này đã được chính ông Nguyễn Văn Huyện-Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi nghỉ chế độ bày tỏ sự lo ngại việc chia tách này có thể dẫn tới nhiều công chức bỏ việc.

Nhân sự Tổng cục Đường bộ Việt Nam được xử lý như thế nào?

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề liên quan đến việc chia tách tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Quản lý đường bộ và Cục Đường cao tốc, các công việc thuộc chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục sẽ được Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường bộ như hiện nay.

Cục Đường cao tốc là mô hình tập trung quản lý đường cao tốc, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là quản lý đầu tư xây dựng đường cao tốc. Cục Đường cao tốc là đơn vị xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng quản lý đường cao tốc", ông Thọ cho biết.

Về lo ngại những nhân sự từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam có bị xáo trộn khi sắp xếp lại, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: Những nhân sự thuộc Tổng cục sẽ tiếp tục làm việc theo đúng chuyên môn của mình ở 2 Cục chuyên môn vừa được tách từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra.

Từ 1/10/2022 sẽ có Cục Đường cao tốc Việt Nam trên cơ sở chia tách từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Bộ GTVT sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, bảo đảm kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

"Quan điểm của Bộ GTVT là sắp xếp lại và duy trì số lượng cán bộ để đảm bảo 2 Cục vừa được tách ra thực hiện các nhiệm vụ được hiệu quả", ông Thọ khẳng định.

Có phải sửa Luật, thông tư cho phù hợp cơ chế hoạt động?

Trước xin nghỉ hưu sớm 1 tháng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn liên quan tới Luật, nếu tách thành 2 Cục thì trong Luật cũng phải tách thành 2 Luật, sau Luật còn có Nghị định, Thông tư để 2 Cục này hoạt động.

Chia sẻ với báo chí, ông Huyện cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hình thành, hoạt động được 12 năm, làm được nhiều việc và hiện đang quản lý rất tốt ngành đường bộ. Tuy nhiên, ông Huyện thừa nhận về mô hình Tổng cục Đường bộ có các cục, chi cục ở khu vực; mô hình này khác với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế có các vệ tinh ở cấp huyện còn Tổng cục Đường bộ chỉ có hoạt động về đường bộ.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, những nhân sự thuộc Tổng cục sẽ tiếp tục làm việc theo đúng chuyên môn của mình ở 2 Cục chuyên môn vừa được tách từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra.

Theo ông Huyện, nếu tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc sẽ có bất cập vì hai cơ quan này đều quản lý đường bộ, trong khi đường cao tốc là một cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ, không phải là một cấp quản lý.

Vì vậy, cá nhân ông cho rằng nếu tách thành 2 cục thì hai bên thực hiện cùng đầu việc tương đối giống nhau nhưng sẽ phải đầu tư 2 hệ thống máy móc để kiểm tra, rất lãng phí. Chưa kể việc phân chia máy chủ, hạ tầng công nghệ trong quản lý, giám sát đường bộ, nhất là giám sát doanh thu của 68 dự án BOT rất khó...

Về ý kiến cho rằng, việc tách ra làm 2 đơn vị quản lý sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ của Bộ Nội vụ mới đây, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho rằng, với đường bộ hiện đang có sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Trung ương quản lý các tuyến quốc lộ; địa phương quản lý tỉnh lộ và huyện lộ.

Ông Nam khẳng định, hiện có 3 tiêu chí thành lập Tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định 101/2020 của Chính phủ. Đối chiếu vào đó thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ, liên quan đến việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.

Bộ GTVT sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, bảo đảm kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ông Nam phân tích, đường quốc lộ, đường cao tốc là huyết mạch giao thông, có sự quan tâm quản lý tập trung tương đối đồng bộ và thống nhất trên cả nước. Nhưng bên cạnh đó còn có hệ thống tỉnh lộ và huyện lộ đang được Chính phủ tính tới đẩy mạnh phân cấp cho địa phương tham gia quản lý, bảo trì, giải phóng mặt bằng, đầu tư...

"Xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất. Phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút nguồn lực nên cần có quản lý riêng, tập trung hơn. Vì vậy phải xem phương án như thế nào cho thống nhất, hợp lý", ông Nam phân tích.

Trong trường hợp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách thành 2 Cục thì sẽ phải phân công rõ đầu mối, đảm bảo chính sách được thực hiện thống nhất, hợp lý nhất trong quản lý, vừa tinh gọn vừa hiệu quả.

Nhấn mạnh thêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc sắp xếp là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, Nghị quyết của Quốc hội, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần giảm các đầu mối trung gian, tầng nấc.

Do đó, với những đơn vị không đảm bảo tiêu chí của Tổng cục, thì sẽ sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, trừ trường hợp đặc biệt mới xem xét.

"Tinh thần là phải sắp xếp lại hết, không thể linh hoạt được với Tổng cục và tương đương, đối với cấp vụ, cấp phòng cũng vậy. Sau khi sắp xếp sẽ giảm rất nhiều về cục, vụ, phòng", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

Đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành. Bộ máy bên trong các bộ ngành sắp xếp theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 Bộ ngành (có 4 Bộ đề nghị không thay đổi Nghị định).

Được biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được thành lập năm 2013, Cục Quản lý đường bộ cao tốc có chức năng tham mưu cho Tổng cục trưởng thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về đường bộ cao tốc.

Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 35/2018/QĐ - TTg về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ GTVT theo hướng tinh gọn lại bộ máy, tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, chấm dứt sự tồn tại của Cục Quản lý đường bộ cao tốc chỉ sau 5 năm hoạt động.

Phi Long (VOV.VN)

Tin mới