Iran tuyên bố họ đã từng làm nhiễu radar máy bay chiến đấu phương Tây. Những chiếc máy bay chiến đấu xâm nhập đã bay gần biên giới Iran và tiến hành thu thập thông tin bằng cách phát ra sóng radar.
Nguồn tin được tạp chí Military Watch trích dẫn từ lời của Chuẩn tướng Amir Restegari, người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp Điện tử Iran (IEI). Tuy nhiên, tướng Iran không cho biết mẫu máy bay chiến đấu này là gì cũng như quốc tịch của chiếc máy bay này.
Tướng Restegari cho biết “Một máy bay địch đã tiếp cận ranh giới không phận của chúng tôi và bắt đầu phát ra sóng radar để thu thập thông tin. Chúng tôi đã làm nhiễu chiếc máy bay này, nhưng phi công địch cho rằng hệ thống của anh ta bị trục trặc và gọi về căn cứ, anh ta nói rằng 'hệ thống của tôi gặp sự cố, tôi sẽ quay trở về căn cứ'. Chúng tôi đã có hồ sơ về cuộc trao đổi này”.
Hệ thống radar Rezonans-NE.
“Ngày hôm sau, thêm hai máy bay địch tiếp cận. Lần này chúng tôi đã gây nhiễu cả hai chiếc. Ngay khi chúng tôi bắt đầu làm gián đoạn chúng, hai máy bay địch nhận ra rằng hệ thống mặt đất của chúng tôi đang gây nhiễu cho chúng. Vì vậy chúng đã phát tín hiệu vô tuyến về căn cứ báo rằng 'thiết bị gây nhiễu đang hoạt động ở đây và chúng tôi không thể hoạt động được nữa'. Chúng tôi có thể làm gián đoạn (kẻ thù) nếu chúng tôi thấy mối đe dọa ở khoảng cách vài trăm km".
Chiến tranh điện tử của Iran
Khả năng chiến tranh điện tử của Iran vẫn chưa được biết đến nhiều. Có những tuyên bố rằng Tehran đang đầu tư mạnh vào việc phát triển các radar của riêng mình dựa trên các thiết bị từ Nga. Theo những tuyên bố này, hệ thống phòng không của Iran được xây dựng trên cơ sở radar Rezonans-NE của Nga.
Rezonans-NE được giới chuyên gia đánh giá rằng có thể đánh chặn và theo dõi F-35. Năm 2020, giám đốc trung tâm nghiên cứu Rezonans Alexander Stuchilin nói rằng một chiếc F-35 đã bị Rezonans-NE đánh chặn và theo dõi, tuy nhiên điều này vẫn chưa được xác minh rõ ràng.
Mặc dù Tướng Restegari không đề cập cụ thể đến tiêm kích F-35 trong trường hợp mà ông trích dẫn, nhưng ông khẳng định rằng Iran đã có "dấu vân tay radar" của tiêm kích tàng hình này.
“Giống như dấu vân tay của con người, đây cũng là cách để phân biệt các hệ thống điện tử và chúng tôi đã tạo ra công nghệ để nhận diện chúng. Ví dụ, nếu radar của máy bay chiến đấu F-35 bắt đầu hoạt động, nó sẽ phát ra sóng radar, tín hiệu vô tuyến và từ trường, điều này sẽ giúp chúng tôi tìm ra vị trí và nhận diện chiếc máy bay xâm nhập”.
Tiêm kích F-35.
Restegari cho biết F-35 phát ra sóng vô tuyến hoàn toàn khác với các máy bay chiến đấu khác. Bằng cách này, Iran không chỉ có thể nhận diện được chiếc máy bay mà còn có thể phát hiện ra vị trí của nó.
Trước đó, Israel cũng từng tuyên bố rằng vào năm ngoái, trong một cuộc tập trận thường kỳ của lực lượng Không quân Israel, một máy bay chiến đấu F-35 đã đi vào không phận Iran.
Các chỉ huy Israel còn tự tin rằng, lực lượng phòng không Iran hoàn toàn không chú ý đến chiếc máy bay F-35 đang thu thập thông tin tình báo. Tel Aviv cho biết đây không phải là lần đầu tiên F-35 xâm nhập vào Iran.
Vai trò của Su-35
Bên cạnh việc gây nhiễu, nhiều khả năng Iran sẽ có cách đối phó khác với các máy bay của đối phương. Theo các chuyên gia, Iran sẽ triển khai những chiếc Su-35 mua từ Nga cho nhiệm vụ này.
Hiện tại, Su-57 là máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga được trang bị radar N036 Belka AESA, loại radar này sẽ giúp máy bay tăng khả năng nhận biết tình huống. Trong khi đó Su-35 hiện vẫn sử dụng radar Ibris-E PESA kém khả năng nhận biết tình huống hơn so với AESA.
Một số chuyên gia cho biết rằng những chiếc Su-35 của Iran đang đặt hàng từ Nga sẽ được thay thế radar Ibris-E PESA bằng radar N036 Belka của Su-57, điều này sẽ giúp máy bay có khả năng chiến đấu cao hơn.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia phân tích từng chỉ ra nếu Tehran quyết định mua các hệ thống phòng không S-400, nước này có thể xây dựng mạng kết nối giữa các nền tảng vũ khí trên bộ và trên không.
Tuy nhiên, một số nguồn tin khác cho rằng thương vụ mua S-400 có thể không thành hiện thực. Bởi vì Iran đã từng giới thiệu vào cuối năm ngoái một phiên bản cập nhật của hệ thống phòng không Bavar-373. Theo các nguồn tin, đây là phiên bản cập nhật tương tự S-400 của Nga, một số chuyên gia khác cho rằng đó chỉ là bản nâng cấp của S-300.
Máy bay Su-35
Phòng không Bavar-373
Tuyên bố trên báo chí Iran nói rằng radar dải X của Bavar-373 có thể đánh chặn các mục tiêu trên không với tiết diện radar là 1,64 mét vuông. Nó cũng được tuyên bố là có thể đánh chặn F-35 ở khoảng cách 90 km. Tuy nhiên, những khả năng này bị các chuyên gia phương Tây đánh giá thấp.
Hệ thống phòng không của Iran bao gồm một số trạm radar. Cơ sở cấu hình của chúng là radar cảnh báo sớm Qadir, có tầm hoạt động 1.100 km. Theo báo cáo, radar này có thể theo dõi mục tiêu ở khoảng cách 300 km. Về hệ thống phòng không, ngoài sản xuất trong nước, Iran được trang bị một số hệ thống S-300 hiện đại mua từ thời Liên Xô.