Ngày 11/8, tiếp tục phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Đề xuất của Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi, bộc lộ tồn tại, hạn chế, cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, có 4 chính sách lớn như: đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo thẩm tra cho biết Ủy ban Pháp luật và các cơ quan cũng tán thành về bổ sung và quy định rõ đối tượng áp dụng của Luật gồm doanh nghiệp do tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên cần rà soát để quy định cụ thể về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn, các yêu cầu đặc thù (nếu có) đối với từng loại hình doanh nghiệp nêu trên.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc sửa luật là vấn đề cấp bách vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát 2 lần về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng đều nói đến, tuy nhiên, dự thảo luật lần này chuẩn bị chưa kỹ, chính sách chưa rõ ràng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
“Nhiều “đại sự” chưa thấy nêu trong luật như vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có vài Nghị định nhưng tại sao cổ phần hoá mấy năm nay cứ “đóng băng”, có luật hóa hay không; rồi vấn đề đất đai sau cổ phần hoá, nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời cần bổ sung tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp”, ông Vương Đình Huệ nói.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương cần bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ còn nhiều vấn đề về chính sách chưa đủ rõ, cần bổ sung làm rõ hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp tới.