Video: Thủ phạm khiến chị em tăng cân dù đã nhịn ăn
PV có cuộc phỏng vấn với TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam về vấn đề này.
- Thưa chuyên gia, hiện có nhiều khái niệm như detox, thanh lọc cơ thể. Theo đó, người ta dùng nhiều loại nước để uống, nhịn ăn với mục đích là giảm cân. Các khái niệm này nên được hiểu thế nào cho đúng?
Detox là một phương pháp thanh lọc cơ thể khỏi các chất độc hại tích tụ lâu ngày trong ruột, máu, phổi, thận, gan, da… Những chất độc này tích tụ dần từ thức ăn và lối sống, từ thức uống, rượu, thuốc lá, chất kích thích, mỹ phẩm, stress… Và khi lượng chất độc vượt quá mức cho phép, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái khó chịu, mệt mỏi, thừa cân...
Detox thực chất không phải là một phương pháp ăn kiêng để giảm cân, mục đích của phương pháp này là thanh lọc cơ thể, loại bỏ chất độc hại.
TS.BS Trương Hồng Sơn
Hiện nay, có rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa detox và hình thức giảm cân, thực tế 2 phương pháp này hoàn toàn khác nhau.
- Khác nhau thế nào? Bởi rất nhiều người chọn detox chỉ với mục đích để giảm cân?
Detox thực chất không phải là một phương pháp ăn kiêng để giảm cân, mục đích của phương pháp này là thanh lọc cơ thể, loại bỏ chất độc hại, trong đó có các chất béo dư thừa, từ đó giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả hơn. Giảm cân chỉ là một hệ quả của detox mà thôi.
- Cụ thể cơ chế của việc giảm được cân bằng việc uống nhiều các loại nước detox là gì?
Thực chất khi uống nước, nước sẽ chiếm phần lớn thể tích dạ dày làm cho cơ thể có cảm giác no và hạn chế việc hấp thu chất béo từ hoạt động ăn các thực phẩm khác.
Bên cạnh đó, nước sẽ giúp cho sự bài tiết tốt hơn. Tuy nhiên, điều đó không có ảnh hưởng đáng kể gì cho việc giảm mỡ trên toàn cơ thể cả. Cảm giác giảm được cân khi chỉ uống nước đơn giản chỉ là việc thải nước ra khỏi cơ thể, chứ thực chất cơ thể chưa hề giảm được cân.
Ngoài ra, nếu chỉ nhịn ăn và uống nước, cơ thể có thể gặp phải tình trạng thừa nước. Các triệu chứng của tình trạng thừa nước bao gồm: chóng mặt và buồn nôn, đau đầu, cảm thấy bối rối hoặc mất phương hướng,…
Nếu không được chữa trị kịp thời, thừa nước còn làm giảm lượng muối trong máu đến mức nguy hiểm, dẫn đến những triệu chứng đáng ngại hơn như: cảm thấy các cơ yếu dần, có thể bị chuột rút hoặc đau nhức, co giật, bất tỉnh, hôn mê.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam. (Ảnh: BSCC)
- Còn việc nhịn ăn có khiến cơ thể gặp vấn đề gì không?
Thanh lọc cơ thể/ giảm cân không đúng cách, nhịn ăn hoàn toàn sẽ khiến cơ thể bị thiếu năng lượng nên giảm chuyển hóa, não thiếu năng lượng, suy nghĩ chậm lại.
Theo phản ứng bản năng sinh tồn của cơ thể, khi thiếu năng lượng nên một số giác quan sẽ huy động tối đa như thị giác, thính giác... và nhiều người đã lầm tưởng cơ thể được khỏe khoắn hơn.
Song, quá trình nhịn ăn nếu kéo dài, cơ thể khi hết nguồn dự trữ phải tiêu hủy các mô quan trọng để sinh năng lượng như mô cơ, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, chế độ này có thể gây thiếu hụt vitamin, rối loạn nước điện giải trầm trọng hoặc gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan.
Với đa phần mọi người, nhịn ăn quá lâu, đến khi ăn lại hay bị sốc, dạ dày hoạt động không quen sẽ ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, bình thường niêm mạc này có thể co bóp để đẩy thức ăn thừa ra ngoài thành phân nhưng nay do người thải độc cơ thể nhịn ăn nên một phần niêm mạc ruột chết đi, thức ăn còn sót lại sẽ không được đẩy ra ngoài tạo thành một hỗn tích tụ trong dạ dày, và có thể gây độc. Khi nhịn ăn lâu ngày, thậm chí còn xuất hiện hội chứng nuôi ăn lại.
- Hội chứng này có nguy hiểm không?
Hội chứng nuôi ăn lại được cho là liên quan đến rối loạn chuyển hóa nặng, xuất hiện trên những bệnh nhân nhịn đói kéo dài hoặc suy dinh dưỡng nặng.
Người bệnh khi nhịn ăn dài ngày vẫn có thể hoạt động được. Nhưng khi bắt đầu ăn uống trở lại, sẽ xuất hiện các biểu hiện bất thường. Các biểu hiện của hội chứng này sẽ xuất hiện trong thời gian từ 24-72 giờ sau khi bắt đầu ăn trở lại bằng đường miệng, bằng ống thông dạ dày hoặc ngay cả khi nuôi ăn tĩnh mạch.
Các biểu hiện thường gặp ở hội chứng này là đau mỏi, yếu cơ, co giật, hôn mê, choáng tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân tử vong thường do các biến chứng tim mạch như rối loạn nhịp, suy tim, phù phổi sau khi bị rối loạn điện giải nặng.
- Như đã nói, thanh lọc cơ thể rất tốt, vậy chúng ta nên thực hiện thế nào để tránh những điều nguy hiểm kể trên?
Thanh lọc cơ thể có thể đem đến những lợi ích nhất định đối với sức khoẻ. Tuy nhiên việc thanh lọc thế nào cho hiệu quả, đảm bảo an toàn là rất quan trọng. Cơ thể của bạn không hoàn toàn giống người khác từ tuổi, cân nặng, các chỉ số sinh hoá, các bệnh tiềm ẩn vì vậy đừng nghĩ đơn giản là ai đó đã làm và “tốt” là mình cũng có thể áp dụng theo.
Đặc biệt là khi áp dụng một phương pháp quá hà khắc như vậy. Giải pháp dinh dưỡng nào áp dụng dưới ngưỡng “chuyển hoá cơ bản” của mỗi người cũng đều có thể đem đến các vấn đề sức khoẻ nguy hại.
Vì vậy không nên nhịn ăn tuyệt đối, chỉ uống nước để thanh lọc cơ thể hoặc để giảm cân, hay vì bất cứ mục đích nào khác.