Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sử dụng nước ô nhiễm có nguy cơ gây dị tật ở thai nhi

Khi sử dụng nguồn nước ô nhiễm có thể dẫn tới những tác động bất lợi lên quá trình sinh sản của con người như gây vô sinh hiếm muộn, gây thai lưu, sảy thai.

Theo định nghĩa của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (USEPA), chất gây ô nhiễm nước là bất kỳ chất hoặc vật chất vật lý, hóa học, sinh học hoặc phóng xạ nào trong nước. Các chất gây ô nhiễm hóa học là các nguyên tố hoặc hợp chất có thể xảy ra tự nhiên hoặc do con người tạo ra. 

Hóa chất có thể có mặt trong nước thông qua các quá trình khử trùng, giải phóng hóa chất ra nguồn nước do hoạt động của ngành công nghiệp, chăn nuôi, phân bón và thuốc trừ sâu từ nông nghiệp hay từ các hoạt động sinh hoạt, rác thải công nghiệp, y tế.

Con người khi tiếp xúc với các hợp chất này từ việc ăn uống, hít hoặc tiếp xúc da với nước bị ô nhiễm sẽ có nguy cơ bị nhiễm những chất này vào cơ thể, các chất gây phá vỡ các cấu trúc tế bào, xâm nhập vào hệ thống miễn dịch cũng như nội tiết khiến tỷ lệ bệnh tật tăng lên.

Nguồn nước ô nhiễm có thể làm suy yếu khả năng sinh sản

NCS Nguyễn Phúc Khánh Linh - Trường Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi sử dụng nguồn nước ô nhiễm có thể dẫn tới những tác động bất lợi lên quá trình sinh sản của con người như gây vô sinh hiếm muộn, ảnh hưởng khi mang thai gây thai lưu, sảy thai, đẻ non hay làm xuất hiện các bất thường và dị tật ở thai.

NCS Nguyễn Phúc Khánh Linh - Trường Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

"Các chất gây ô nhiễm do con người gây ra trong nước có thể gây rủi ro cho sức khỏe sinh sản. Hầu hết các hợp chất này được biết đến là hóa chất phá vỡ các kết nối nội tiết của tế bào (EDCs).  EDC có thể tác động đến hệ thống nội tiết của cơ thể, làm suy yếu khả năng sinh sản của cả nam và nữ giới”- NCS Nguyễn Phúc Khánh Linh nói.

Nhiều cuộc hội thảo và các hội nghị môi trường đã nhận định, chất gây ô nhiễm có trong nước có thể làm suy giảm sự phát triển, khả năng sinh sản và chức năng sinh sản ở người.

Ví dụ, khi tiếp xúc với các sản phẩm phụ khử trùng nước trong nước uống có thể gây ra dị tật tim ở thai nhi. Việc tiếp xúc với bisphenol A và phthalates được biết là làm giảm khả năng sinh sản bằng cách kích hoạt sớm các nang trứng nguyên thủy và thay đổi mức độ hormone steroid giới tính.

Hệ thống nước thường xuyên bị các loại vi khuẩn như E. coli, amip ăn não… xâm nhập nên hầu hết các công ty cấp nước thường phải thực hiện các bước để đảm bảo chỉ có nước uống sạch, không có vi khuẩn để cung cấp cho người dùng.

Trong hầu hết các trường hợp, các biện pháp này bao gồm thêm clo vào nước để ngừa ô nhiễm vi sinh vật trong nước.  Mặc dù có khả năng khử trùng nước hữu hiệu, nhưng clo và các chất khử trùng hóa học khác lại có thể tạo ra hàng trăm hợp chất nguy hiểm tiềm ẩn trong nước được gọi là sản phẩm phụ khử trùng (DBP).

DBP là hóa chất và các hợp chất hữu cơ vô cơ, chủ yếu bao gồm các phân tử như fulvic, humic, cacboxylic và axit amin tự do… được hình thành khi sản phẩm khử trùng (clo) phản ứng với chất hữu cơ tự nhiên trong nước.

Chất khử trùng phản ứng với chất khác trong nước ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản

Các nghiên cứu từ nhóm Andrew JE và các cộng sự cho thấy, việc tiếp xúc với axit perfluorooctanoic (PFOA) và axit perfluorooctanesulfonic (PFOS) là nguyên nhân làm suy yếu khả năng sinh sản lâu dài. Hơn nữa, nước bị nhiễm estrogen tổng hợp có thể dẫn đến thai lưu, sảy thai hay sinh non ở phụ nữ.

“Khử trùng nước uống là một trong những thành tựu y tế công cộng quan trọng nhất trong thế kỷ qua. Việc xử lý nước bằng chất khử trùng như clo đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh truyền qua đường nước, góp phần tránh được các bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, phản ứng giữa các tác nhân khử trùng và chất hữu cơ hoặc vô cơ trong nước nguồn có thể tạo thành các hợp chất được gọi là sản phẩm phụ khử trùng nước. Sự hiện diện của chúng trong nước uống đã trở thành mối quan tâm về sức khỏe con người vì các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh mối liên hệ giữa phơi nhiễm DBP và tăng nguy cơ phát triển ung thư và vô sinh hiếm muộn”- NCS Nguyễn Phúc Khánh Linh cho biết.

Theo NCS Nguyễn Phúc Khánh Linh, ở những khu vực có đất và nguồn nước giàu brom hoặc iốt, tỷ lệ DBP brôm hoặc iốt có xu hướng cao hơn ở những khu vực có hàm lượng brom hoặc iốt thấp hơn. Nhiệt độ tăng làm tăng tốc độ hình thành của DBPs. Ngoài ra, nguồn nước có độ pH thấp có liên quan đến mức DBP cao vì dạng clo phản ứng mạnh nhất, axit hypoclorous, có mặt ở nồng độ cao trong các nguồn nước có độ pH thấp hơn 7,5.

 “DBP cũng đã được xác định trong bể bơi và nước spa. Nước từ các nguồn này thay đổi theo thời tiết, hành vi của người sử dụng hồ bơi hoặc spa, dịch cơ thể như mồ hôi và nước tiểu, cũng như các chất gây ô nhiễm môi trường được đưa vào như chất chống nắng, kem dưỡng da và từ quần áo tắm, các chất phụ màu trên đồ tắm.

Tất cả các thành phần này khi phản ứng với các chất khử trùng được sử dụng để xử lý nước có thể dẫn đến sự hình thành DBP. Do đó, nồng độ DBP trong nước từ các hồ bơi và spa thường cao hơn, điều này có thể là do những nơi này phải liên tục dùng chất khử trùng phản ứng với chất hữu cơ từ những người bơi”- NCS Nguyễn Phúc Khánh Linh nhận định.

Theo NCS Nguyễn Phúc Khánh Linh, DBPs cũng đã được chứng minh là làm gián đoạn chức năng buồng trứng, sinh tinh trùng và kết quả là ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản. “Cụ thể, axit dibromoacetic gây ra sự bất thường của tinh trùng, sự hợp nhất của các tinh trùng trưởng thành. Ngoài ra, sự phơi nhiễm đã gây ra đầu tinh trùng bị biến dạng, sự không phân chia của tế bào chất của tế bào sertoli và teo rõ rệt các ống sinh tinh.

DBPs đã được chứng minh là có liên quan đến kết quả sinh sản bất lợi ở phụ nữ và nam giới khi khó thụ thai, nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể và các khuyết tật ống thần kinh ở thai”.

P.HÀ (VOV.VN)

Tin mới