Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự “cho”, “nhận” và lòng tốt ở đời

Người ta nói nhiều về việc “Cho” và “Nhận”. Cũng nói nhiều về những người luôn sẵn lòng đi “cho”,...

Người ta nói nhiều về việc “Cho” và “Nhận”. Cũng nói nhiều về những người luôn sẵn lòng đi “cho”, đi làm “từ thiện” giúp đỡ người khác. Nhưng liệu tất cả những hoạt động “cho” thiện tâm ấy đều là những cái “cho” đi mà không cần nhận lại, không bao gồm sự bon chen, tính toán? tạp chí ths vtc đã có cuộc trao đổi khá thú vị xung quanh vấn đề này với nhà văn Phong Điệp. 


 
 

Chị nghĩ gì về việc cho và nhận của con người?

Cho và nhận là một phạm trù rất rộng lớn, nhưng nhìn nhận ở góc độ nhân văn, theo tôi là một cách sống giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta san sẻ với những người khó khăn hơn mình, và Cho cũng là để Nhận. Con người cho đi tình yêu thương, sự giúp đỡ để nhận về những điều tốt đẹp ngày càng nhiều hơn cho cuộc sống xung quanh mình. Và cuộc sống luôn có những bất ngờ, hôm nay bạn có thể đủ đầy mọi thứ, nhưng biết đâu ngày mai cũng rất cần sự  hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng? Vì vậy khi giúp đỡ một người khác, bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Tôi luôn tin ở những lòng tốt không toan tính ở cuộc đời này vẫn còn rất nhiều.

 

Tôi thấy ngày càng có nhiều hơn những doanh nhân, nghệ sĩ… thành đạt tổ chức làm từ thiện. Dường như con người ngày càng muốn cho đi nhiều hơn, chị có nghĩ vậy không?

Việc những người có điều kiện, đi giúp đỡ những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, đó là biểu hiện của một xã hội văn minh. Con người không chỉ nghĩ đến bản thân mình mà còn cần phải biết quan tâm đến cả những người  khác. Những người thành đạt đi làm từ thiện là đáng quý. Trong xã hội ngày nay, cả những người không thành đạt, không giầu có, có ý thức về việc cần giúp đỡ người khác, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” thì lại càng đáng quý hơn.

 

Chị nói con người phải cho đi mà không mong nhận lại. Nhưng bây giờ có lẽ đã khác. Họ cho đi và đều muốn nhận lại một điều gì đó. Kể cả việc cho đi ấy là để làm … từ thiện. Họ làm từ thiện là để “mua” lại danh tiếng, “mua” lại hình ảnh, cũng có thể “mua” một tấm vé lên thiên đường vì những việc trước kia mình đã làm…. Họ muốn bỏ tiền ra, muốn “cho” đi một cái gì đó thì phải nhận về được một kết quả tương xứng. Chị nghĩ sao?

Đúng là có những sự Cho đầy toan tính, đầy vụ lợi như bạn nêu ra. Vì thế khi vào chùa, bạn vẫn có thể bắt gặp cảnh một ai đó, cúng thật nhiều tiền cho nhà chùa, đốt thật nhiều vàng mã, miệng lẩm bẩm khấn thần linh bồ tát “giúp con buôn một lãi một trăm, giúp con qua mắt được công an, được đội thanh tra thị trường”. Xin hỏi, làm gì có thần thánh nào giúp người ta làm điều ác, làm việc phi pháp đây? Rồi những người đẹp sực nức phấn son, áo quần hở hang xuất hiện tại những trung tâm dưỡng lão, của những cụ già gần đất xa trời, mắt chỉ lo nhìn ống kính may quay và máy ảnh để tạo dáng, hình ảnh ấy kệch cỡm vô cùng.

Các cụ từng nói “của Cho không bằng cách Cho”. Cái sự Cho tưởng đơn giản, nhưng cũng cần phải học.

 
 

Việc làm từ thiện theo mục đích “cho” để “nhận” có lẽ là một “bài toán” kinh doanh của những người đi làm từ thiện phải không chị?

Việc làm từ thiện tuyệt đối không phải là “một bài toán kinh doanh”. “Từ thiện” – nghĩa của nó là trong tâm mình muốn làm điều thiện, điều tốt lành. Nó tuyệt đối không có chỗ cho những toan tính, vụ lợi.

 

Tôi đọc không ít những bài viết về “sản phẩm” đem đi làm từ thiện. Sữa quá hạn, thuốc hết “đát”, quần áo loang lổ bên trong còn nguyên cả chuột và gián… Thế mà người ta vẫn oang oang tuyên bố làm từ thiện là để thể hiện lòng nhân ái, là để con người đến gần nhau hơn. Chị nghĩ gì về hành động “cho” đó?

Đó là sự cơ hội gắn mác từ thiện!

 

Và việc “cho” đó có thể sẽ làm tổn thương người được “nhận” hơn cả việc thà họ đừng cho, chị có nghĩ vậy không?

Người nghèo, người có hoàn cảnh không may mắn họ có sự tự trọng của họ. Việc nhận một ít tiền, hàng cứu trợ không giúp thay đổi cuộc đời của họ, mà dẫu có nhiều đến mức khiến họ đổi đời thì lòng tự trọng của một con người, danh dự của một con người cũng không phải là thứ để lợi dụng cho những toan tính cá nhân gắn mác từ thiện.

 

Vậy “cho” như thế nào mới thực sự là “cho” ?

Cho khi đó là điều thực sự thôi thúc lương tâm của mình, khi mình thực tâm muốn những điều tốt đẹp đến với người nhận, và mình có điều kiện để làm việc ấy. Khi đó bạn hãy Cho.

 

Nói đi cũng phải nói lại. Nếu cho đi hết mà không mong nhận lại, nếu cho đi hết mà không tính toán gì, biết đâu người nhận là một kẻ lừa đảo. Mà thực tế nhiều câu chuyện như thế lắm rồi. Cho một người ăn xin què chân, để rồi sau đó thấy anh ta chui vào một góc nào đó, tháo cái bó bột ra, rút điện thoại gọi đồng bọn đến chia chác. Không tính toán thì chẳng phải là một sự cho thiếu thông minh hay sao?

Tôi nghĩ đó là thiếu thông minh khi lựa chọn. Điều bạn nói cũng là sự nhắc nhở rằng chúng ta cần có sự sáng suốt khi quyết định cho. Sáng suốt chứ không phải sự nghi kị. Kể cả việc Cho có nhầm địa chỉ thì chúng ta cũng hãy hi vọng rằng lòng tốt của con người biết đâu sẽ giúp những kẻ lừa đảo biết hối cải. Vấn đề là chúng ta phải có niềm tin ở những điều tốt đẹp, niềm tin ở cuộc sống này. Như thế ra đường mới có thể nhìn mọi người với ánh mắt ấm áp hơn. Chứ cứ luôn ngờ vực, nghi kị nhau thì đời sống này thật đáng sợ..

 

Bill gates – một trong những người giàu nhất thế giới và cũng là một người làm từ thiện nổi tiếng từng nói: “Việc cho cũng phức tạp và khó khăn không kém việc kiếm tiền”. Chị nghĩ sao?

Tôi không biết người giàu làm từ thiện khó khăn như thế nào, nhưng câu chuyện của bạn khiến cho tôi nhớ đến “hũ gạo cứu đói” năm 1945 do Bác Hồ phát động. Chỉ cần mỗi người mỗi ngày bỏ ra một nắm gạo từ bữa ăn nhà mình, sẽ có biết bao nhiêu người vượt qua được nạn đói. Bài học ấy, đến bây giờ tôi vẫn thấy nó rất có giá trị. Chúng ta có thể không giàu có nhưng nếu muốn giúp đỡ người khác thì luôn có cách nếu chúng ta thật tâm muốn làm việc thiện.

 

 

Nhưng chị có nghĩ con người nên “tính toán” một chút khi cho?

Nên sáng suốt thì đúng hơn. Tôi không thích chữ “tính toán” (cười)

 

Có giới hạn nào giữa việc cho một cách thông minh và cho một cách tính toán, vụ lợi, đặt cược không chị?

Giới hạn nằm ở chính lòng người.

 

Tôi nghĩ chắc hẳn chị là người rất hay cho?

Tôi chỉ làm được những việc rất nhỏ, trong khi xã hội cần nhiều lắm những tấm lòng, những bàn tay cần chung sức giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh không may mắn.

 

Có bao giờ chị tính toán trong mỗi lần cho đi ấy?

Tôi lựa chọn những địa chỉ cần giúp đỡ, và thấy lòng mình nhẹ nhõm sau mỗi việc làm như vậy. Có những trường hợp tôi vẫn lặng lẽ theo dõi người mình giúp đỡ, và vui mừng sau mỗi đổi thay tích cực trong cuộc sống của họ. Cũng có những trường hợp sự giúp đỡ của mình đã không thu lại kết quả như mong muốn, thì điều ấy không khiến tôi nản lòng. Hãy giúp người khác khi họ thực sự đang cần đến chúng ta. Sự giúp đỡ có thể bằng vật chất, và cũng có thể bằng chính tấm lòng. Những điều ấy khiến cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

 

Và thứ chị nhận lại được là gì?

Tôi không tính toán thứ mình nhận lại là gì vì nhiều khi nó là những thứ vô hình: niềm vui, sự thanh thản trong cuộc sống, sự quý mến của mọi người….

 

Cảm ơn chị!

MT

Nguồn:

Tin mới