Steve Darby là chuyên gia bóng đá giàu kinh nghiệm người Anh, từng làm việc ở Việt Nam và nhiều nước châu Á như Thái Lan, Australia. Năm 2001, ông Darby giúp đội nữ Việt Nam vô địch SEA Games sau chiến thắng 4-0 trước Thái Lan ở chung kết.
Trong bài viết gửi đến VTC News, chuyên gia Darby kể lại lịch sử đối đầu đầy hấp dẫn và tranh cãi giữa Anh và Đức - hai cường quốc bóng đá châu Âu. Ông khẳng định Anh đang có lợi thế hơn Đức, nhưng nếu trận đấu bước vào loạt đá luân lưu, "Cỗ xe tăng" sẽ chiến thắng.
Sự kình địch giữa Anh và Đức tồn tại từ lâu trong dòng chảy lịch sử. Những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, trẻ em Anh được nuôi dưỡng với suy nghĩ Đức là "kẻ thù". Khi tôi còn bé, nhiều bộ phim, truyện tranh ở đây bám theo mô-típ người Đức sắm vai phản diện, còn người Anh là anh hùng.
Trưởng thành trong thời hậu chiến, tôi cảm thấy may mắn khi mình không nuôi mối thù hận, dù tiếp xúc với nhiều sản phẩm truyện tranh, phim ảnh mang tính định hướng.
Anh đánh bại Tây Đức để vô địch World Cup 1966.
Sinh ra ở Liverpool, chỉ cách sân Anfield 300m, tôi đã xem mọi trận đấu của Liverpool ở Cúp châu Âu. Đó là trải nghiệm quý giá. Thời ấy, độ phủ sóng truyền hình rất kém, nên bạn phải đến sân để xem các đội bóng nước ngoài đọ sức với người Anh.
Tôi từng chứng kiến Liverpool so tài với Cologne, trận đấu mà người Đức đã thắng người Anh sau lần tung đồng xu may rủi - thể thức phân định thắng bại mà sau đó được thay bằng loạt đá luân lưu. Nhờ sự hiện diện ở sân chơi lớn, các cầu thủ Đức được biết đến rộng rãi bởi người hâm mộ Anh ở giai đoạn này.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi xem bóng đá chỉ đơn thuần vì thích. Sau này, tôi bắt đầu phân định sự khác biệt giữa bóng đá Anh và Đức. Trận đấu kinh điển cho thấy tương quan giữa hai bên là cuộc so tài giữa Bayern Munich và Liverpool ở Cúp C1 châu Âu năm 1971.
Bayern có Sepp Maier tài năng trong cầu môn, Gerd Muller trên hàng tiền đạo còn Franz Beckenbauer đá "hậu vệ quét" - vị trí chưa từng được định nghĩa trong tiếng Anh. CĐV Anh đã sốc khi thấy thủ môn Maier chuyền bóng cho Beckenbauer trong vòng cấm, điều không xuất hiện trong bóng đá Anh những năm 1970.
Huyền thoại Beckenbauer trong màu áo Bayern Munich.
HLV Bill Shankly của Liverpool sau đó cũng có quyết định vô tiền khoáng hậu: đẩy một tiền vệ phòng ngự lên đá tiền đạo để kèm chặt Beckenbauer. Liverpool sau đó đánh bại Bayern 3 bàn không gỡ.
Một trận đấu kinh điển giữa bóng đá Đức và Anh mà tôi ấn tượng là cuộc so tài giữa Liverpool và Borussia Monchengladbach trên sân Anfield (UEFA Cup 1973). Tôi đã cầu nguyện trận đấu diễn ra trong điều kiện thời tiết tốt, bởi tôi sẽ chơi trận đầu tiên cho đội trẻ Liverpool vào ngày hôm sau cũng trên sân bóng thiêng liêng này.
May mắn là trời chiều lòng người, giúp tôi đã chạm tới giấc mơ của mình.
Video: Sterling ghi bàn vào lưới CH Séc
Ở cấp độ ĐTQG, cả nước Anh từng nín thở hướng về trận chung kết World Cup 1966 giữa Anh và Tây Đức. Tôi không đủ tiền mua vé vào sân, nên cả gia đình quây quần bên chiếc TV theo dõi trận đấu. Cảm giác cả đất nước chờ đợi một cuộc so tài, rất khó tả.
Đó là trận đấu mãi mãi nằm trong cuốn biên niên sử bóng đá, không chỉ bởi diễn biến hấp dẫn, mà còn nhờ tranh cãi xung quanh bàn thắng của huyền thoại Geoff Hurst rằng pha dứt điểm của ông ấy đã qua vạch vôi hay chưa. Ngày ấy, chất lượng truyền hình rất thấp. Bạn chỉ có thể trông đợi ở quyết định của trọng tài.
Kết quả, trọng tài đã công nhận bàn thắng cho Anh. Chúng tôi thắng 4-2, 3 bàn trong số đó được ghi bởi Hurst. Đó là quyết định gây tranh cãi. Người Anh cho rằng bóng đã qua vạch vôi, còn người Đức tin rằng đó không phải bàn thắng.
Tranh cãi còn tồn tại đến hôm nay. Với tôi, dường như đây không phải một bàn thắng. Ơn trời là 50 năm trước chưa có VAR.
Trận đấu tiếp theo giữa Đức và Anh diễn ra ở World Cup 1970. Tuyển Anh bị hoài nghi ở giải đấu này, khi nhiều chuyên gia cho rằng "Tam Sư" vô địch World Cup 1966 nhờ lợi thế sân nhà và tiếng còi méo của trọng tài hơn là thực lực.
Để vô địch, Anh phải vượt qua "đỉnh núi" Brazil vĩ đại - đội bóng còn mạnh hơn nhiều so với Tây Đức năm 1966. Trước khi chạm trán Brazil, Anh tái ngộ Tây Đức mà không có sự hiện diện của thủ môn số 1 Gordon Banks, do ngôi sao này ốm đột ngột trước trận.
Theo nhiều giả thuyết thời ấy, đã có âm mưu "hãm hại" Banks nhằm triệt tiêu sức mạnh trong cầu môn Anh.
Anh dẫn trước 2-0 và dường như chắc chắn có mặt ở bán kết để so tài với Italy - đối thủ dù mạnh, nhưng người Anh đủ sức vượt qua. Nếu thắng tiếp, Anh sẽ có trận chung kết trong mơ với Brazil.
Nhưng tất cả chỉ là ảo mộng, bởi Anh thua ngược. Nếu người đứng trong khung gỗ là Gordon Banks, chứ không phải thủ môn dự bị Bonetti, kết quả có thể đã khác. Nhưng dù đau đớn, chúng tôi cũng phải thừa nhận: Tây Đức rất mạnh với Beckenbauer và Muller.
Hơn nửa thế kỷ, Anh chạm trán 32 lần với Đức, thắng 13 và thua 15 trận. Ở các giải chính thức, Anh chỉ thắng 3 trong 11 lần đối đầu với "Cỗ xe tăng", bằng một nửa số chiến thắng của đối thủ.
Anh thua Tây Đức ở World Cup 1970.
Điều này hình thành nên nỗi sợ vô hình với Anh, đến mức tiền đạo lừng danh Gary Lineker từng nói: "Bóng đá là môn thể thao đơn giản. 22 người đàn ông rượt đuổi một quả bóng trong suốt 90 phút và người Đức luôn giành chiến thắng sau cùng".
Cay đắng hơn, Đức thường thắng Anh trên chấm luân lưu. EURO 1996, người Đức đánh bại chúng tôi ở chấm đá may rủi với tỷ số 6-5. Đoán xem ai là người sút hỏng nào? Đó là Gareth Southgate, HLV đương nhiệm của tuyển Anh.
Dự đoán kết quả trận Đức vs Anh
Đầu những năm 2000, tuyển Anh bắt đầu cải thiện thành tích đối đầu với Đức. Tôi từng xem Anh đè bẹp Đức 5-1 ở vòng loại World Cup 2002, khi đang ngồi ở sàn sân bay Kuala Lumpur, chờ đợi chuyến bay lên đường dự SEA Games 2001 cùng tuyển nữ Việt Nam. Kỷ niệm ấy, tôi không bao giờ quên.
Nếu người Anh ám ảnh và lo sợ sau những lần thua Đức ở loạt luân lưu, Đức cũng có nỗi buồn riêng. Bàn thắng tranh cãi của Geoff Hurst ở chung kết World Cup 1966 vẫn lảng vảng trong tâm trí những người chứng kiến.
Như trò đùa của định mệnh, món nợ ấy được người Đức trả đủ ở tứ kết World Cup 2010, khi trọng tài từ chối bàn thắng của Frank Lampard. Bóng đã đi qua vạch vôi sau cú sút dội xà của Lampard, nhưng trọng tài nói không.
Bóng vượt qua vạch vôi sau cú đá của Lampard, nhưng trọng tài Larrionda từ chối bàn thắng cho Anh.
Nhưng bỏ qua mọi tranh cãi, Đức đã thắng xứng đáng. Tuyển Anh khi ấy có thế hệ tuyệt vời với Lampard, Steven Gerrard, John Terry hay Wayne Rooney. CĐV kỳ vọng "Tam Sư" chiến thắng, nhưng đây không phải đội tuyển đoàn kết.
Theo báo giới, tuyển Anh bị chia rẽ bởi nhiều nhóm cầu thủ, đặc biệt là nhóm Manchester United và nhóm Liverpool. HLV Fabio Capello cố gắng siết chặt kỷ luật nhưng không thành.
Nhiều người nói truyền thông Anh đã hủy hoại đội tuyển. Báo giới luôn ca ngợi, tâng bốc tuyển Anh và tô vẽ ra hình ảnh lung linh hơn thực tế rất nhiều. Điều này ngược lại với Việt Nam.
Ở SEA Games 2001, dù chúng tôi thắng hết các trận, nhưng giới truyền thông và chuyên gia lại phê bình chiến thuật của đội. Bóng đá đỉnh cao chỉ quan trọng kết quả, chứ không quan tâm đến cách chơi. Chiến thắng là thứ tồn tại duy nhất.
Truyền thông Anh hay Việt Nam rất giống nhau. Khi đội thua, họ luôn chỉ trích kịch liệt, tạo ra áp lực khủng khiếp cho các cầu thủ. Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, cầu thủ có hàng triệu người theo dõi, tương tác.
Mặt tốt là mạng xã hội cho phép người hâm mộ kết nối trực tiếp với cầu thủ, nhưng tình hình sẽ xấu đi khi các cầu thủ phải đương đầu với những thông điệp đả kích, sỉ nhục hay phân biệt chủng tộc.
Sức mạnh tuyển Anh bị thổi phồng?
Do bị báo chí thổi phồng, tuyển Anh thường bước vào các giải lớn với những kỳ vọng phi thực tế. Họ không thể đáp ứng chờ đợi của CĐV. Điều này đang tái hiện khi Jack Grealish hay Phil Foden được ngợi khen. Họ được chờ đợi trở thành ngôi sao, mang về chiến thắng cho Anh. Nhưng đối đầu với những đội mạnh, đâu có dễ thắng như thế.
Grealish chưa từng gặp những đội bóng đẳng cấp từ Italy hay Đức, còn Foden được vây quanh bởi dàn sao châu Âu, Nam Mỹ trong màu áo Manchester City.
Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cố gắng thay đổi cách chơi của các cấp độ đội tuyển trong một thập kỷ qua. Họ tạo ra một triết lý mới, với đề án "ADN nước Anh", đặt trọng tâm phát triển vào các đội tuyển trẻ như U17, U21.
Dự án này giúp cầu thủ có tâm lý vững vàng, cũng như HLV hiểu rõ cá tính, cảm xúc học trò hơn. Jadon Sancho, Phil Foden, Jordan Pickford đều tích lũy kinh nghiệm khi còn rất trẻ.
Cũng giống chung kết World Cup 55 năm trước, cả nước Anh sẽ ngừng lại để chờ đợi trận đại chiến hôm nay. Đức vừa chật vật vượt qua bảng tử thần, trong trận đấu mà trên lý thuyết, họ chỉ còn cách việc bị loại có 10 phút nữa (nếu không gỡ hòa trước Hungary).
Không thể xem thường Đức.
Tuyển Đức đang chơi thất thường và thiếu sức chiến đấu - điều rất lạ lẫm với đội bóng nổi tiếng về tính tổ chức và kỷ luật này. Tuy nhiên, Đức vẫn có những cá nhân giỏi. Không ai có thể đánh giá thấp đội bóng sở hữu Manuel Neuer, Antonio Rudiger, Ilkay Gundogan, Kai Havertz hay Toni Kroos.
Đức đang vận hành sơ đồ 3-5-2, với đôi cánh Joshua Kimmich và Robin Gosens - ngôi sao bước ra ánh sáng ở trận thắng Bồ Đào Nha. Do đó, tuyển Anh sẽ phải lựa chọn việc tiếp tục chơi 4-2-3-1, hay đá 3-5-2 giống Đức để tạo thế cân bằng. Người Anh rất muốn đội tuyển của họ chơi 4-2-3-1 - sơ đồ cho phép Anh có nhiều cầu thủ tấn công hơn.
Trong cầu môn, Pickford đang thi đấu chắc chắn và phân phối bóng ấn tượng, nhưng tôi lo rằng cậu ta có thể mắc sai lầm. Bộ tứ vệ sẽ là Kyle Walker, John Stones, Harry Maguire và Luke Shaw.
Ở tuyến giữa, Kalvin Phillips và Jordan Henderson sẽ là bộ đôi luân chuyển bóng. Anh rất cần phẩm chất thủ lĩnh của Henderson lúc này. Trên hàng công, Foden, Grealish, Sterling sẽ hỗ trợ cho trung phong Harry Kane. Nếu Kane lấy lại phong độ, bàn thắng sẽ đến với Anh.
HLV Gareth Southgate đang đảm đương công việc khó khăn, nhưng ông ta được trả 6 triệu bảng mỗi năm để làm điều đó. Tôi tin rằng trận đấu sẽ rất thú vị. Anh sẽ thắng sát nút. Nhưng nếu trận đấu phải bước vào loạt đá luân lưu, rất tiếc phải nói rằng tôi sẽ đặt cược vào người Đức.