"Hành trình cổ tích của Đan Mạch vẫn chưa dừng lại" là dòng tít phổ biến nhất các mặt báo rạng sáng 27/6, khi thầy trò HLV Kasper Hjulmand nhấn chìm Xứ Wales trên sân Johan Cruyff Arena để có mặt ở tứ kết.
Là đội đầu tiên trong lịch sử có mặt ở vòng 1/8 dù thua 2 trận đầu, để rồi trở thành đội đầu tiên ghi liền 4 bàn trong 2 trận liên tiếp tại EURO, Đan Mạch đang có chuyến phiêu lưu kỳ lạ, nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào.
Đan Mạch lọt vào tứ kết EURO 2020.
Phút 28, Joakim Maele cầm bóng ở hành lang trái theo hướng tấn công của Đan Mạch. Kasper Dolberg chạy chỗ kéo theo một hậu vệ Xứ Wales, mở ra khoảng trống cho Mikkel Damsgaard. Nhận bóng từ Maele, Damsgaard xoay sở khéo léo, rồi nhả lại cho Dolberg làm tung lưới thủ môn Danny Ward.
Đó là cú sút xa thành bàn thứ tư của Đan Mạch trong 2 trận. Nhiều người nói đến khoảnh khắc xuất thần của Dolberg - tiền đạo như thể Lọ Lem trong chuyện cổ tích, bước ra ánh sáng chứng tỏ giá trị trong lần hiếm hoi đá chính thay trung phong Yussuf Poulsen.
Tuy nhiên, vẻ đẹp trong pha xử lý của Dolberg không thể che mờ tình huống dàn xếp ấn tượng của Đan Mạch. Các học trò của HLV Hjulmand nhiều lần làm rung mành lưới đối thủ ở khoảng cách xa, nhưng đấy đều là những pha phối hợp có chủ đích.
Video: Bàn mở tỷ số của Dolberg
Dolberg không ngẫu hứng sút xa thành bàn. Để mở ra khoảng trống cho tiền đạo của Nice, Damsgaard và Maele đã di chuyển rất thông minh. Đan Mạch tấn công bài bản, có mảng miếng để loại bỏ từng lớp phòng ngự Xứ Wales, mà cú sút của Dolberg chỉ là công đoạn cuối.
Đội bóng của Gareth Bale chỉ thua 1/23 trận gần nhất với cách biệt nhiều hơn 1 bàn, trước khi tan nát dưới sức ép của Đan Mạch.
"Tôi hiểu được nỗi buồn của Xứ Wales, nhưng Đan Mạch đã chơi với xung lực và khát vọng vô biên", Gary Lineker chia sẻ. Là người trực tiếp bình luận trên sóng khi Christian Eriksen đột quỵ, Lineker hiểu "khát vọng" và "xung lực" của Đan Mạch đến từ đâu.
Daily Mail gọi Đan Mạch là đội bóng được truyền cảm hứng bởi Eriksen, nhưng cũng giống bàn thắng đẹp của Dolberg, dường như người ta chỉ thấy phần nổi của tảng băng khi khen Đan Mạch.
Pierre Emile-Hjobjerg (số 23) là cầu thủ nổi bật nhất ở tuyến giữa Đan Mạch.
Đội bóng của Hjulmand đã chiến đấu và chiến thắng với hình bóng Eriksen trong tim. Suất tứ kết của Đan Mạch, phần nào đó, là kịch bản ít người nghĩ đến trước EURO 2020.
Tuy nhiên, hành trình của Đan Mạch không phải cổ tích - nơi cái hoang đường, ảo mộng lấn át thực tế. Các học trò của HLV Hjulmand không cần phép nhiệm màu giống chiến tích ở EURO 1992.
Chiến thắng của Simon Kjaer cùng đồng đội không phải sản phẩm của trí tưởng tượng, mà đến từ logic thông thường nhất trong bóng đá: Sự áp đảo toàn diện và vượt trội đẳng cấp.
Nếu ví Đan Mạch là một thùng thuốc nổ thì sự hồi phục thần kỳ của Eriksen sau đêm định mệnh tại Parken giống như ngọn lửa châm ngòi. Đan Mạch không thể "phát nổ" nếu không có sẵn nội lực mạnh.
Nên nhớ, Đan Mạch là đội bóng tạo ra nhiều cơ hội nhất EURO 2020 sau 3 trận với 59 lần, trong đó có 21 lần dứt điểm về cầu môn Bỉ - đội tuyển số 1 thế giới trên bảng xếp hạng FIFA.
Đan Mạch có rất nhiều giải pháp tấn công.
Màn ăn mừng trước Bỉ cho thấy đội bóng Bắc Âu chơi quyết tâm và nỗ lực nhờ nguồn cảm hứng của Eriksen, nhưng cảm xúc luôn có hai phía; một mặt tạo ra xung lực đủ lớn để Đan Mạch tận hiến và bền bỉ hơn, nhưng cũng khiến Poulsen, Damsgaard hay Martin Braithwaite nôn nóng và vội vàng trong các pha xử lý cuối.
Dù vậy, khi Đan Mạch lấy lại nhịp chơi, mạnh dạn pressing tầm cao và đẩy sức ép gần hơn tới vòng cấm đối thủ, bàn thắng đến với các học trò HLV Hjulmand như lẽ tất yếu.
Theo biểu đồ tấn công, Đan Mạch chỉ ghi 1 bàn sau 43 cú sút ở 2 trận đầu, nhưng họ sút tung lưới đối thủ tới 8 lần sau 32 pha dứt điểm ở 2 trận tiếp theo, với xác suất sút bóng trong vòng cấm tăng lên đáng kể.
Đan Mạch tấn công uyển chuyển, kiểm soát thế trận và kiên trì mở ra khoảng trống bằng những đường tịnh tiến bóng ở cự ly trung bình, bên cạnh việc kiên trì phối hợp và gây sức ép với đội hình tấn công gồm 3 chân sút và hậu vệ Maele dâng cao như tiền đạo thứ tư.
Đan Mạch chỉ ghi 1 bàn trong 2 trận đầu, với 3 cơ hội rõ nét trong vòng cấm.
Số cơ hội tăng lên trong vòng cấm cho thấy Đan Mạch mạnh dạn đẩy cao đội hình và phối hợp nhóm ngay trong vòng cấm đối thủ.
Bàn thắng thứ ba vào lưới Xứ Wales là pha phối hợp hoàn hảo khác, khi Maele bất ngờ đảo biên, đón đường chuyền ở khoảng trống rồi sút tung lưới Xứ Wales bằng chân trái. 4 bàn thắng là sản phẩm của một thế trận áp đảo, còn thế trận áp đảo là sản phẩm của một đội bóng hay.
"Đan Mạch rất linh hoạt. Mọi thứ không hẳn trơn tru, hoàn hảo xuyên suốt trận đấu, nhưng chúng tôi luôn biết cách cải thiện bản thân", HLV Hjulmand phân tích.
Trong ngày đá chính thay Poulsen, Dolberg chơi trận đấu để đời. Thay thế đàn anh Eriksen, Damsgaard đã chứng tỏ giá trị. Đan Mạch luôn tiến bộ, và không thể biết HLV Hjulmand còn bao nhiêu "khối thuốc nổ chưa châm ngòi".
Trước cuộc so tài với Nga ở lượt đấu cuối, ban tổ chức sân Parken đã bật ca khúc nổi tiếng "You will never walk alone" (Bạn không bao giờ phải bước đi một mình). Bài hát là lời động viên với Eriksen - người bình phục sau cơn đột quỵ.
Hãy nhớ hình ảnh Đan Mạch ở trận đấu ấy. Khi Eriksen ngã xuống, cầu thủ áo đỏ đã đứng thành hàng rào, che chắn cho đồng đội tầm mắt khán giả. Khi Eriksen nằm cáng rời sân, đồng đội cũng xếp hai hàng đồng hành với anh dù đang âu lo và sợ hãi.
Đan Mạch là đội bóng đoàn kết.
Đan Mạch không để Eriksen phải bước đi một mình, và đội bóng này cũng không bao giờ để ai phải đơn độc. Dù tấn công, phòng ngự hay phản công, Đan Mạch luôn di chuyển đội hình thành một khối thống nhất, đối lập với sự lẻ loi của Gareth Bale hay Daniel James bên phía Xứ Wales đêm qua.
Đội bóng của Hjulmand giống một bó đũa. Bẻ gãy một chiếc thì dễ, chứ bẻ gẫy cả bó là thách thức với bất cứ đối thủ nào.