Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Sơn La, hiện mật độ châu chấu ở đây còn dưới mức công bố dịch (mức công bố dịch là 100-150 con/m2), nhưng việc tìm và diệt châu chấu cũng phải đợi đến sang năm 2017.
Vị đại diện này cũng cho biết loài châu chấu tre này chủ yếu ăn lá tre, lá mía, lá ngô, muốn phun hóa chất trừ châu chấu thì phải phun vào thức ăn, phun vào châu chấu cũng không diệt được.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã dự định đợi thời điểm châu chấu đẻ trứng trong mùa đông để tìm, diệt trứng bằng biện pháp cơ học và đốt trứng để diệt cả đàn.
Ông này cũng phủ nhận các thông tin châu chấu đang bay rợp trời ở Sốp Cộp nhưng lại cho rằng kế hoạch tìm, diệt châu chấu có tổng ngân sách lên đến 2,3 - 2,9 tỉ đồng. “Nhưng có thể không dùng hết số này, không phải có là đem dùng hết” - lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Sơn La nói.
Cũng theo thông tin từ Sơn La, từ cuối năm 2015 đến nay, nạn châu chấu tre phá lá các loại cây trồng và phá lá rừng tre đã gây khó khăn cho người dân.
Mùa đông xuân 2015-2016, băng tuyết phủ khá dày ở khu vực Sốp Cộp nhưng châu chấu đã đẻ trứng trong đất từ trước, đến mùa xuân ấm áp là tháng 3-4 vừa qua nó lại nở ra lứa châu châu mới và lại phá lá của nhiều loài cây.
"Tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi châu chấu khoảng 9000 ha, tuy nhiên khu vực bị châu chấu ăn lá và phá hoại cây trồng thật sự “chỉ 40 ha thôi”, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Sơn La nhấn mạnh.
Video: Hãi hùng cảnh hàng trăm con châu chấu nhuộm đen bầu trời Nga