Các nhà khoa học tại Đại học Minnesota phát hiện điều này khi quan sát lũ sói thông qua Dự án Sói Voyageurs.
Hải ly tạo ra và duy trì các vùng đất ngập nước bằng cách xây đập, đào ao. Những con hải ly con sau đó tái tạo lại các ao này. Nhưng quá trình này bị gián đoạn vì sự can thiệp của lũ sói.
“Vào năm 2015, chúng tôi ghi nhận trường hợp một con sói giết chết con hải ly ở một cái ao mới được tạo ra", đồng tác giả nghiên cứu Austin Homkes cho biết.
Sói ăn hải ly
Trong vòng vài ngày sau khi con sói giết hải ly, việc xây dựng con đập bị trì hoãn vì không còn con hải ly nào dám bén mảng tới gần đó.
"Con sói dường như đã ngăn cản hải ly biến khu vực rừng rậm này thành một cái ao. Quan sát ban đầu này rất thú vị", ông Homkes cho biết.
Sau 5 năm nghiên cứu, các nhà điều tra ước tính sói làm gián đoạn việc tạo ra 88 ao mỗi năm.
Các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng cho thấy sói đã làm giảm kích thước tổng thể của quần thể hải ly trong khu vực, nhưng nghiên cứu này chỉ ra những kẻ săn mồi có thể thay đổi hệ sinh thái ngay cả khi chúng không làm giảm số lượng động vật hoang dã.
Các nghiên cứu sâu hơn đang được tiến hành để tìm hiểu những tác động lâu dài có thể có đối với các vùng đất ngập nước và các loài khác sống ở đó.
"Có một số lý do chính đáng để duy trì và phục hồi các quần thể động vật ăn thịt khỏe mạnh và nghiên cứu này sẽ hữu ích trong việc tìm hiểu vai trò đầy đủ của động vật ăn thịt, đặc biệt là khi chúng ăn các kỹ sư tạo dựng hệ sinh thái", Joseph Bump, giáo sư tại Đại học Minnesota cho hay.