Là tỉnh có hơn 30% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cùng với cử tri trên cả nước, cử tri là đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đang hướng về ngày hội toàn dân, ngày bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp.
Nhiều cử tri bày tỏ tin tưởng vào phẩm chất, năng lực, trình độ và ủng hộ chương trình hành động của các ứng cử viên, đồng thời mong muốn người trúng cử thực hiện tốt trách nhiệm của người đại biểu dân cử.
Cử tri là tri sư sãi đồng bào Khmer xem tiểu sử ứng cử viên ĐBQH và HĐND.
Cử tri tin tưởng chọn được người xứng đáng
Ngay khi xong việc buôn bán ở chợ xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, anh Lý Thy, người dân tộc Khmer ở ấp Vĩnh Thanh lại tìm đến địa điểm bỏ phiếu để tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên là ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới.
Anh Thy cho biết, hiện nay bà con đã hoàn thành việc xuống giống cho vụ lúa mới nên cũng có nhiều thời gian nhàn rỗi để tìm hiểu kỹ hơn về thông tin bầu cử. Riêng bản thân anh, tới ngày bầu cử, chắc chắn sẽ đến sớm để hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của một cử tri.
"Thời điểm này đang là mùa vụ nhưng tôi cũng tranh thủ thời gian để đi tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên, để lựa chọn người tài, đức bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp", anh nói.
Càng cận kề ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, tại các địa điểm bỏ phiếu bầu cử ở ấp Long Thành, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm càng có đông cử tri đến theo dõi thông tin về bầu cử.
Sau khi xem tiểu sử người ứng cử nhiệm kỳ này, cùng tham gia các hoạt động tiếp xúc cử tri, được nghe các chương trình hành động của các ứng cử viên, ông Lý Ơi, người dân tộc Khmer trong ấp chia sẻ, các ứng cử viên người nào cũng trình độ văn hóa, chuyên môn cao. Cuộc bầu cử sắp tới, ông tin tưởng sẽ chọn được người xứng đáng nhất làm người đại biểu nhân dân.
Ông Lý Ơi cho biết thêm, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phực tạp, ông cùng gia đình sẽ nghiêm túc thực hiện theo khuyến cáo phòng, chống dịch của Bô Y tế, đó là thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế).
"6h hoặc là 7h, mình sắp xếp gia đình trước, rồi mình đi bầu cử. Gia đình có 3 người thì đi trước 2 người, bầu xong về thì 1 người đi sau tiếp tục đi bầu", ông Lý Ơi cho biết.
Cử tri đồng bào Khmer ở huyện Châu Thành xem thông tin bầu cử.
Lên phương án phòng chống COVD-19 cho từng tổ bầu cử
Thị xã Ngã Năm có hơn 1.000 hộ là đồng bào dân tộc Khmer với gần 4.000 nhân khẩu. Với cử tri là đồng bào Khmer ở thị xã Ngã Năm, dù phần lớn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nhưng nhờ được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh mà công tác thông tin về bầu cử ở các phum sóc của đồng bào được tuyên truyền đa dạng và kịp thời.
Chính quyền địa phương nơi đây còn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền bằng cả tiếng dân tộc của bà con nên giúp bà con dễ hiểu và nắm bắt hơn.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau bầu cử cũng được quan tâm. Theo đó, ở từng địa phương xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể riêng cho từng tổ bầu cử, thông báo về thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế đến cử tri...
Còn tại huyện Châu Thành, để chuẩn bị cho công tác bầu cử, Ủy ban bầu cử huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các bước đảm bảo đúng luật và lịch trình đã đề ra; tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện văn bản của Trung ương, của tỉnh cũng như thời gian thực hiện các bước, quy trình về công tác bầu cử cho thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, các xã, thị trấn. Việc niêm yết danh sách, tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH và và HĐND các cấp đến nay đều đã hoàn thành.
Bên cạnh đó, Đài Truyền thanh huyện tăng thời lượng phát 3 buổi/ngày; Trung tâm văn hóa huyện Châu Thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền treo băng rôn, pano, áp phích trên các tuyến đường trục chính trên địa bàn huyện.
Châu Thành cũng là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Chia sẻ về cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp sắp tới, nhiều cử tri Khmer bày tỏ đặc biệt quan tâm đến phẩm chất, năng lực, trình độ từng ứng cử viên. Bà con cho rằng, đây là thông tin để bà con có sự lựa chọn đúng đắn đại biểu xứng đáng cho nhân dân cùng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Nhiệm kỳ này, tỉnh Sóc Trăng có 13 người ứng cử ĐBQH; 85 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 584 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 4.701 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Tỉnh cũng đã hoàn thành niêm yết danh sách cử tri tại 1.260 khu vực bỏ phiếu và các địa điểm công cộng, khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh.