Ngày 11/11, các nhà chức trách Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty hủy tất cả sự kiện tập trung đông người, trừ các hội nghị quan trọng, đồng thời thực hiện các biện pháp khác để giảm thiểu sự tiếp xúc nhiều nhất có thể. Để giảm nguy cơ lây nhiễm, chính quyền Bắc Kinh còn yêu cầu các hội nghị có thể được tổ chức trực tuyến.
Phía chính quyền còn nhấn mạnh rằng các công ty và cá nhân tổ chức sự kiện sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để bùng dịch.
Hãng tin AP dẫn thông báo của ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 cho biết, có ít nhất hai động viên nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Sars-Cov-2 trong đợt xét nghiệm gần đây. Đây có thể là tin xấu đối với Bắc Kinh khi chỉ còn vài tháng nữa thế vận hội sẽ chính thức khai mạc (tháng 2/2022).
Các ca nhiễm mới ở Bắc Kinh trong đợt dịch lần này đều liên quan đến một hội nghị được tổ chức trong thành phố. (Ảnh: AP).
Kể từ khi dịch bùng phát trở lại, Bắc Kinh đã có thêm 45 ca nhiễm, cao nhất trong vòng 17 tháng qua (kể từ tháng 6/2020).
Còn tại cuộc họp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh hôm 11/11, các nhà chức trách xác nhận Bắc Kinh đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và phức tạp, đòi hỏi các cơ quan liên quan phải hành động nhanh chóng và chính xác để giảm thiểu sự lây lan của virus.
Khác với lần bùng phát dịch trước, khi tất cả ca nhiễm đều liên quan đến một đoàn khách du lịch đến khu tự trị Nội Mông, các ca nhiễm mới ở Bắc Kinh trong đợt dịch lần này đều liên quan đến một hội nghị được tổ chức trong thành phố.
Bà Bành Tinh Hỏa - Phó giám đốc CDC Bắc Kinh cho biết, thành phố này đã ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới tại địa phương và một ca nhiễm không có triệu chứng vào ngày 11/11, trong đó có một số ca nhiễm là nhân viên của Công ty dầu khí PetroChina, có trụ sở chính tại Bắc Kinh.
Những nhân viên này đã tham dự một hội nghị của công ty ở Bắc Kinh từ ngày 28/10 đến ngày 10/11. Một người tham gia hội nghị sau đó được xác nhận bị mắc COVID-19 ở tỉnh Cát Lâm.
"Bắc Kinh đã hành động ngay lập tức khi phát hiện ca nhiễm liên quan đến một người đã đi từ Cát Lâm đến Bắc Kinh dự hội nghị", Từ Hòa Kiến, phát ngôn viên của chính quyền thành phố Bắc Kinh, cho biết tại một cuộc họp báo vào chiều 11/11.
Các nhà chức trách bắt đầu xét nghiệm hàng loạt đối với tất cả những người tiếp xúc gần với các ca bệnh và có mặt tại các khu vực liên quan, bắt đầu từ đêm 10/11.
Trong khi đó, một cụm dịch COVID-19 đang bùng phát ở Đại Liên, buộc chính quyền thành phố cảng phía đông bắc Trung Quốc phải hạn chế việc đi lại của người dân, tạm dừng các lớp học trực tiếp và đóng cửa một số địa điểm văn hóa sau khi được chính quyền yêu cầu kiểm soát dịch nhanh hơn. Đại Liên ngày 12/11 đã kêu gọi người dân không rời khỏi nhà trừ khi cần thiết.
Nhân viên an ninh canh gác xung quanh một khu dân cư bị phong tỏa sau khi bùng phát dịch COVID-19 ở Bắc Kinh hôm 11/11 (Ảnh: Reuters).
Đại Liên, nơi có cảng quan trọng tiếp nhận các chuyến hàng hải sản cũng như trái cây và một số loại thịt, cũng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đông lạnh nhập khẩu phải tạm ngừng hoạt động.
Trung Quốc đang chứng kiến đợt dịch lây lan rộng nhất kể từ sau đợt dịch ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019. Kể từ khi làn sóng COVID-19 mới nhất bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc từ giữa tháng 10, số ca nhiễm cho đến nay đã lên tới hơn 1.000 trường hợp, lan ra ít nhất 40 thành phố và 20 tỉnh.
Mặc dù số ca nhiễm mới trong ngày tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới, song Trung Quốc vẫn siết chặt các biện pháp chống dịch khắc nghiệt theo chiến lược "Không COVID", bao gồm đóng cửa biên giới, phong tỏa, cách ly và xét nghiệm hàng loạt. Tuy nhiên, chiến lược này cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.