Slovenia đã trở thành quốc gia Liên minh châu Âu mới nhất công nhận một nhà nước Palestine độc lập sau khi quốc hội nước này chấp thuận với đa số phiếu, bác bỏ lời kêu gọi trưng cầu dân ý về vấn đề này của đảng đối lập.
(Ảnh minh họa)
Tuần trước, chính phủ Slovenia đã quyết định công nhận Palestine là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, theo sau Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy. Động thái như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm phối hợp gây áp lực lên Israel đề chấm dứt xung đột ở Gaza.
Thủ tướng Robert Golob cho biết: “Việc công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền và độc lập hôm nay mang lại hy vọng cho người dân Palestine ở Bờ Tây và Gaza."
SDS, đảng đối lập lớn nhất, cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để công nhận một nhà nước Palestine độc lập và động thái này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Hamas.
Sau khi liên minh cầm quyền, chiếm đa số trong quốc hội gồm 90 thành viên của Slovenia, cố gắng tìm cách giải quyết yêu cầu trưng cầu dân ý và tiến hành bỏ phiếu, SDS đã rút lại đề xuất của họ nhưng lại đệ trình vài giờ sau đó.
Ủy ban đối ngoại của quốc hội tuyên bố đề xuất không thỏa đáng và bác bỏ tại một phiên họp bất thường.
Cuối cùng, quyết định đã được thông qua với 52 phiếu bầu và không có ai phản đối sau khi đảng SDS đối lập rời khỏi phiên họp.
Trong số 27 thành viên của EU, Thụy Điển, Síp, Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Slovakia, Romania và Bulgaria đã công nhận nhà nước Palestine. Malta đã nói rằng họ cũng có thể sớm thực hiện điều tương tự.
Israel đã chiến đấu chống lại Hamas, lực lượng cai trị Gaza, kể từ cuộc tấn công xuyên biên giới ngày 7/10 của Hamas khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin, theo thống kê của Israel. Gần 130 con tin được cho là vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.
Cơ quan y tế Gaza cho biết hơn 36.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc chiến trong 7 tháng qua.