Ký túc xá vắng vẻ, neo người, các trường đại học ở Anh đang phải tìm mọi cách để níu kéo các học sinh. Nhưng nhiều trường xác nhận rằng bất chấp nỗ lực của họ, các sinh viên Trung Quốc, vốn chiếm 1/3 sinh viên quốc tế ngoài châu Âu ở Anh là những người muốn rời đi nhất.
Theo các trường, cha mẹ Trung Quốc lo ngại thông tin về chiến lược miễn dịch bầy đàn ở Anh. Họ cũng cảm thấy biện pháp phong tỏa mà đảo quốc sương mù đưa ra là quá muộn.
Tuần trước, 70 sinh viên Trung Quốc từ các trường đại học gồm Cardiff, Birmingham, Warwick, Đại học College London và Edinburgh thông qua một nhóm chat trên WeChat thỏa thuận về việc thuê một chuyến bay của China Southern Airlines từ sân bay Heathrow (London) trở về Quảng Châu.
Chuyến bay dự kiến khởi hành vào 27/3 nhưng bị hủy bỏ sau khi Trung Quốc thắt chặt quy định về các chuyến bay.
"Tôi muốn trở lại vì Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp hiệu quả để chống lại virus, như phong tỏa Vũ Hán, Hồ Bắc và xây dựng các bệnh viện", một sinh viên tới từ Birmingham nói.
Krista Charles, một sinh viên theo học thạc sĩ truyền thông khoa học tại Đại học Cardiff cho biết một số sinh viên Trung Quốc đang cố gắng di chuyển theo nhiều tuyến đường khác nhau. Một số định quá cảnh ở Thái Lan, nhưng không thể bắt được chuyến bay.
"Họ rất lo lắng", Charles chia sẻ.
Với Joe Huang, sinh viên đang theo học một trường đại học ở London, anh cảm thấy nhẹ nhõm khi được về tới Trung Quốc.
"Người nào đó ở trường đại học của tôi bị chẩn đoán mắc Covid-19 khiến bố mẹ tôi rất lo lắng. Vì tôi đến từ Hồ Bắc, tôi biết dịch bệnh này khủng khiếp như thế nào", Huang cho hay.
Huang nói bản thân rất đúng đắn vì quyết định rời Anh sớm bởi giá vé hiện tại rơi vào khoảng 2.000 bảng (hơn 56 triệu đồng) và hầu hết các chuyến bay đã kín chỗ. Nhiều bạn Trung Quốc của anh phải bay nối tới 3 chặng mới về được đến nhà. Một số phải quá cảnh ở Ethiopia và các nước châu Phi khác.
Joe Sucksmith, nhân viên phụ trách vấn đề thị thực và nhập cư tại Đại học Gloucestershire nói rằng việc các sinh viên tìm về gia đình vào thời điểm khủng hoảng hiện tại là điều dễ hiểu.
"Nhưng nhiều sinh viên Trung Quốc muốn về nhà vì họ cảm thấy phản ứng của chính phủ quê hương mạnh mẽ và nhanh chóng hơn. Chẳng hạn, nếu bạn có triệu chứng, bạn sẽ được xét nghiệm", cô này cho hay.
Ở Anh, chỉ những người bị bệnh nặng tới mức phải nhập viện mới được xét nghiệm.
Việc giảng dạy ở nhiều trường đại học chuyển sang hình thức trực tuyến. Đại học Cardiff yêu cầu tất cả các sinh viên liên lạc về nơi họ tới sau khi rời trường. Trường sẽ niêm phong phòng, lưu trữ tài sản của sinh viên nếu họ rời đi và chưa có ý định quay lại trong kỳ học tới.
Với các sinh viên ở lại, các trường học khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức và kêu gọi mọi người giúp đỡ lẫn nhau thời điểm khó khăn này.
Video: Du học sinh bỏ hơn 500 triệu để có 1 chỗ ngồi trên máy bay rời khỏi Mỹ
Tiến sỹ Dominique Thompson, người có 20 năm công tác ở Đại học Bristol khuyên các sinh viên còn kẹt lại trong trường duy trì một số thói quen như tập thể dục và giữ liên hệ với mọi người.
Christopher Tucker, phụ trách về vấn lưu trú tại Đại học Edinburgh cho biết ông có danh sách tất cả các sinh viên ở lại trong trường có thể cần hỗ trợ thêm về sức khỏe tâm thần và sẽ gọi cho họ 2 lần/tuần.
Tucker cũng yêu cầu sinh viên thông báo nếu họ lo lắng về bạn cùng phòng.
Một số trường khác thì lại đau đầu trước tình trạng nhiều sinh viên coi thường các khuyến cáo và không quan tâm tới việc duy trì khoảng cách vật lý trong khuôn viên trường.