Theo nhóm nghiên cứu từ University College London (UCL, trường thành viên của Viện Đại học London, Anh), bên trong khối đá là những cấu trúc nhỏ bé nhưng vô cùng tinh vi, rất có thể có nguồn gốc sinh học bởi không phù hợp với bất cứ dạng cấu trúc nào mà các phản ứng hóa học có thể tạo nên.
Đáng chú ý, viên đá nhỏ bé có tuổi đời lên tới 3,75 đến 4,28 tỉ năm tuổi. Trong khi đó, bằng chứng sớm nhất về sự sống trên Trái Đất là một tảng đá 3,46 tỉ năm tuổi từ Tây Úc, chứa hóa thạch giống những con giun cực nhỏ.
Phiến đá chứa cấu trúc của một sinh vật sơ khai, có hình dáng gần giống phiên bản thu nhỏ của thực vật hiện đại. (Ảnh: UCL)
Như vậy, phát hiện mới đã phá vỡ kỷ lục về sinh vật sống cổ xưa nhất từng được tìm thấy trên hành tinh, kéo lùi dấu mốc quan trọng này về quá khứ thêm gần 300 triệu năm.
Chưa kể, thứ bên trong viên đá lần này lại phức tạp hơn nhiều: giống như một thân cây nhỏ có các nhánh song song ở một bên, dài gần 1 cm.
Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy các sản phẩm phụ hóa học khoáng hóa trong đá, phù hợp với cách các vi sinh vật cổ đại sống nhờ sắt, lưu huỳnh và carbon dioxide tạo ra. Những phát hiện mới này còn cho thấy có thể có nhiều loại vi sinh vật khác nhau đã tồn tại trên Trái Đất nguyên thủy
Điều này cũng mở ra khả năng tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác.
"Nếu sự sống xuất hiện sớm trên Trái Đất, với điều kiện thích hợp, sẽ làm tăng cơ hội tồn tại sự sống trên các hành tinh khác" - tiến sĩ Dominic Papineau, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay.