Gần hai thập kỷ trôi qua kể từ lần đầu tiên đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á, Việt Nam luôn nằm trong top 3 của đấu trường này.
Ở SEA Games 31, Việt Nam sẵn sàng chơi đẹp bằng việc tổ chức đầy đủ các môn và nội dung thế mạnh của đối thủ. Nước chủ nhà tự tin cạnh tranh bằng vị thế của chính mình mà không cần lạm dụng lợi thế của người tổ chức. Vòng quay gần hai thập kỷ giữa hai kỳ SEA Games trên sân nhà chứng kiến bước tiến vượt bậc của Thể thao Việt Nam.
SEA Games 31 được khởi động từ tháng 11/2020.
Bước ngoặt SEA Games 22
"SEA Games năm 2003 là bước ngoặt", ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao hồi tưởng. Ông là Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam ở kỳ đại hội đầu tiên diễn ra trên sân nhà cách đây 18 năm.
Khi thời gian đếm ngược đến ngày khai mạc SEA Games 31 chỉ còn vài tháng, vị chuyên gia đầu ngành đã về hưu cũng có nhiều dịp được ôn lại những kỷ niệm năm xưa.
Ông nhớ lại: “Năm ấy ở Mỹ Đình, khán giả đến xem điền kinh đông như cổ vũ bóng đá. Các nhà thi đấu chật cứng, tiếng hò hét như muốn vỡ tung. Đua xe đạp ở Bắc Ninh, đồng bào vây kín hai bên đường. Đó là động lực rất lớn để vận động viên của chúng ta thăng hoa”.
Đó là kỳ SEA Games thành công của Thể thao Việt Nam, với sự thăng tiến vượt bậc về mặt thành tích. Con số 156 Huy chương Vàng của đoàn Việt Nam lúc đó cao gấp gần năm lần so với thành tích tốt nhất ở các kỳ đại hội trước (33 HCV, hạng tư SEA Games 21 tại Indonesia).
“Chỉ tiêu của chúng tôi là 90-110 HCV. Nhưng, số ít những chuyên gia sành sỏi đều dự đoán được ngay từ đầu rằng đoàn Thể thao Việt Nam sẽ vượt xa con số đó”, ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.
Bước tiến vượt bậc về số lượng huy chương ở SEA Games 22 là nhờ sự chuẩn bị kéo dài tới gần một thập kỷ của Thể thao Việt Nam, dưới sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Chính phủ.
Trong suốt những năm hội nhập trở lại với đấu trường khu vực, Thể thao Việt Nam phát triển chưa toàn diện, trình độ thấp, chỉ có một vài vận động viên đạt trình độ tiệm cận châu lục và chủ yếu chỉ cạnh tranh huy chương được ở các môn võ, vật. Khó khăn thứ hai là cơ sở vật chất và năng lực tổ chức, điều hành.
“Để giải quyết khó khăn này, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về thể thao với hai mặt then chốt là dành sự đầu tư đào tạo VĐV thi đấu SEA Games và xây dựng cơ sở vật chất. Văn bản này được ký vào năm 1997”, ông Nguyễn Hồng Minh nhắc lại.
Đây là sự bổ sung, mở rộng của chương trình đào tạo VĐV được ngành Thể thao thực hiện từ trước đó ba năm, với mục tiêu cho ra lò 1.000 VĐV dự SEA Games. Năm 2003, đoàn Thể thao Việt Nam có 924 VĐV tranh tài ở kỳ đại hội trên sân nhà.
“Sự khác biệt nằm ở việc mỗi địa phương tập trung đầu tư phát triển một số môn trọng điểm, từ đó thành lập các đội tuyển quốc gia, tuyển trẻ.
Đây là việc làm có hệ thống tổ chức tương đối toàn diện. Thay vì để địa phương tự lo thì toàn ngành xây dựng chương trình tổng thể có sự phân bổ. Các trung tâm huấn luyện quốc gia cũng được đầu tư trang thiết bị, chế độ dinh dưỡng, thuê chuyên gia”, ông Nguyễn Hồng Minh kể.
“Ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi là sự chuẩn bị. Tất cả những điều đó vẫn hiện lên trong tâm trí tôi rất rõ. Chúng tôi vui mừng, phấn khởi và hăng hái vì được làm, được phát huy những gì mình theo đuổi, học hành, trưởng thành và đam mê cùng với nó”.
SEA Games 31 là lần thứ hai Việt Nam đăng cai đại hội.
Khẳng định vị thế khu vực, vươn tầm châu Á
Thành công ở SEA Games 22 là cú hích để Thể thao Việt Nam vươn mình trở thành một cường quốc ở đấu trường khu vực. Trong tất cả các kỳ đại hội tiếp theo, đoàn Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên bảng tổng sắp huy chương.
“Sau thắng lợi năm 2003, bản thân những người làm thể thao, từ quản lý đến HLV, VĐV đều tự tin hơn. Điều đó rất quan trọng.
Chúng ta hình dung ra được rằng mình hoàn toàn có thể tiến bước, có thể đua tranh với các quốc gia khác trong khu vực. Chúng ta đầu tư cho các kỳ SEA Games một cách có hệ thống hơn, dù mức độ còn thấp. Muốn duy trì thành tích thì không có cách nào khác ngoài đầu tư tiếp vào các thế hệ vận động viên tiếp theo”, vị trưởng đoàn kỳ cựu nhắc lại.
Thể thao Việt Nam thể hiện sự tiến bộ ở SEA Games qua từng năm, về số lượng và dần dần cả về chất lượng. Điều này được thể hiện ở việc các môn thể thao Olympic ngày càng đóng góp nhiều hơn vào bảng thành tích chung.
Từ chiến lược “đi tắt đón đầu”, tập trung vào võ, vật (đóng góp tới hai phần ba số huy chương), Thể thao Việt Nam dần tập trung vào các môn Olympic. Mất đến 12 năm kể từ SEA Games 22, sự chuyển biến rõ rệt mới xuất hiện ở kỳ đại hội diễn ra tại Singapore.
Ông Nguyễn Hồng Minh tiếp lời: “Về lâu dài chúng ta buộc phải chuyển hướng sang các môn Olympic nếu không muốn tụt hậu so với nền thể thao toàn diện như Thái Lan, trong khi cũng chưa hơn được Malaysia, Indonesia.
Đó là quá trình chuyển biến về mặt tư duy, có cả đấu tranh tư tưởng. Thế hệ lãnh đạo trẻ hơn chúng tôi, những người như anh Trần Đức Phấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) đã nhìn thấy và tích cực thay đổi”.
Thành tích của các VĐV Việt Nam kể từ năm 2017 cho thấy tính đúng đắn và hiệu quả của sự chuyển hướng này. Thể thao Việt Nam lúc này đã ổn định trong top 3 SEA Games và cạnh tranh vị thế số một khu vực ở một số môn Olympic. Ở ASIAD 18, chúng ta có tấm Huy chương “vàng mười” ở môn điền kinh của Bùi Thị Thu Thảo và Huy chương “bạc mà như vàng” của Nguyễn Huy Hoàng môn bơi.
Vị trí thứ hai toàn đoàn (sau chủ nhà), số một ở điền kinh và bóng đá tại SEA Games 30 năm 2019 là sự khẳng định rõ ràng về vị thế của Thể thao Việt Nam trong khu vực.
Thể thao Việt Nam có những bước tiến lớn trong những năm gần đây.
SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, chúng ta có đủ thực lực để cạnh tranh ngôi vị số một mà thậm chí không phải bằng vị thế của nước chủ nhà.
Tuy nhiên, cái đích tiếp theo mà Thể thao Việt Nam hướng đến, với sự chuyển hướng sang các môn Olympic, không phải là thứ hạng ở SEA Games.
“Chúng ta không thể chỉ cứ top 3 SEA Games mà phải lên được tầm ASIAD, không thể chỉ hơn Thái Lan, Indonesia ở khu vực rồi ra châu lục lại thua kém họ”, ông Nguyễn Hồng Minh nêu quan điểm.
“Về mặt tổng thể, Thể thao Việt Nam vẫn mạnh ở Đông Nam Á. Chúng ta có thể chiến thắng một cách thực lực ở SEA Games với hàng trăm HCV, nhưng quan trọng là, trong đó, ai sẽ là người vươn đến tầm châu lục”.
SEA Games vẫn là đấu trường quan trọng đối với Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống thi đấu luôn biến đổi theo nước chủ nhà là mặt tiêu cực cản trở sự phát triển toàn diện của nền thể thao.
“Thể thao Việt Nam phải thoát ra khỏi tầm nhìn SEA Games, thay vào đó phải lấy SEA Games làm bàn đạp lên đấu trường châu Á”, ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định: “Thành tích của Thể thao Việt Nam, đặc biệt là ở những môn Olympic, những môn thể thao cơ bản như bơi lội, điền kinh tiến bộ dần qua các kỳ SEA Games. Các quốc gia khác trong khu vực cũng phải công nhận rằng, Thể thao Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, với những thành tích nhất định ở khu vực và châu lục.
Trước đây chúng ta ở giai đoạn hội nhập, thi đấu để cọ xát. Giờ đây thể thao Việt Nam có thể tự hào và tự tin tranh chấp ngôi đầu. Không còn có chuyện chưa ra thi đấu đã nghĩ mình thua nữa. Các vận động viên Việt Nam có thể tự tin đua tranh với bất cứ đối thủ nào khác ở sân chơi khu vực”.