Chiều 26/11, phiên xét xử thẩm vụ án giai đoạn 1 xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng.
HĐXX thông báo sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 3/12.
Bị cáo Chu Lập Cơ (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square - chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) cho rằng, bản thân đã suy nghĩ suốt 2 năm qua về gia đình, kể từ khi bị tạm giam. Đây là một câu chuyện đầy ly kỳ về số phận.
Bị cáo Chu Lập Cơ tại phiên toà.
Còn bị cáo Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Tập đoàn VTP (cháu gái Trương Mỹ Lan) - khẳng định trước tòa rằng vụ án này là "chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam", Cô nhấn mạnh gia đình đã chịu tổn thất rất lớn và bày tỏ mong muốn không có thêm bất kỳ vụ án tương tự nào xảy ra trong tương lai. Bị cáo còn trình bày những đóng góp của cô mình cho xã hội và thương trường.
"Cô tôi đã hy sinh, dấn thân vào thương trường và trong công tác xã hội, giúp đỡ hàng ngàn mảnh đời bất hạnh. Tôi mong HĐXX ghi nhận và xem xét thấu đáo đối với cô Lan", bị cáo nói.
Trước đó, trong gần 30 phút trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan tha thiết xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
"Năm nay tôi gần 70 tuổi, nếu tòa giảm án xuống 20 năm tù, tôi cũng không biết có sống nổi đến lúc đó. Tôi đã thay đổi, nếu tòa thấy tôi xứng đáng nhận tội gì, mong xem xét lại", bị cáo Lan nói.
Bị cáo cho biết, hiện tại bản thân không còn chỗ dựa nào, chỉ có mong muốn duy nhất là khắc phục hậu quả: "Tôi không nghĩ đến thiệt hại của bản thân hay gia đình, mà đau xót vì sự lãng phí tài nguyên quốc gia. Các dự án bị đình trệ khi tôi bị bắt, ví dụ như dự án Mũi Đèn Đỏ (Quận 7, TP.HCM)..."
Bị cáo nhiều lần nhấn mạnh đây là một trong những vụ án nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại Việt Nam và mong HĐXX áp dụng cơ chế đặc biệt trong việc xử lý tài sản, để hậu quả được khắc phục, Nhà nước và người dân không chịu thiệt hại.
Bà Lan cũng đề xuất sau khi trả xong các tài sản cho Nhà nước và người dân, phần tài sản còn lại sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án xã hội, bao gồm xây dựng bệnh viện quốc tế chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, mở trường học, xây nhà ở xã hội và đầu tư vào hạ tầng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan.
Cụ thể, bị cáo cam kết sử dụng khu đất tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) để xây bệnh viện phục vụ cộng đồng. "Mong tòa ghi nhận và cho phép tôi dùng số tiền còn dư để thực hiện các dự án thiện nguyện, giúp xã hội", bị cáo Lan bày tỏ.
Ngoài ra, bị cáo cũng xin HĐXX giảm án cho chồng là bị cáo Chu Lập Cơ, cháu ruột Trương Huệ Vân và bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), người đang đối mặt với án tù chung thân vì nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
Bị cáo khẳng định mấu chốt vụ án là từ hành vi đảo nợ, dẫn đến bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản. Bà đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc tham ô tài sản và 87.000 tỷ đồng mà bà cho SCB mượn để tái cơ cấu.
"Mong tòa cho phép luật sư vào trại giam để tôi cung cấp thêm tài liệu. Tôi không oán trách ai, chỉ muốn làm tròn trách nhiệm trả nợ cho Nhà nước và người dân", Trương Mỹ Lan nói.
Ngày 15/11, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Mỹ Lan đối với hai tội danh: Tham ô tài sản (tử hình) và Đưa hối lộ (20 năm tù).
VKS đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, giảm mức án sơ thẩm từ 20 năm tù xuống còn 16 - 18 năm tù đối với tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tổng hợp các mức hình phạt, bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn phải chịu trách nhiệm với mức án cao nhất là tử hình.