Hết quý II/2021, thu nhập ngoài lãi của SCB đạt ấn tượng với hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ dịch vụ đạt 1.310 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt 618 tỷ đồng), bằng 78% tổng thu nhập dịch vụ của cả năm 2020. Trong mảng dịch vụ, doanh số bảo hiểm đạt gần 1.000 tỷ đồng, đưa SCB trở thành ngân hàng đứng đầu thị trường, dẫn đầu tốc độ phát triển kinh doanh mảng Bancassurance.
6 tháng đầu năm, SCB báo lãi 456 tỷ đồng.
Đến hết tháng 6, quy mô tài sản của SCB đạt 670.749 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, duy trì vị thế Top 5 trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam và là ngân hàng TMCP tư nhân có tổng tài sản lớn nhất. Lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt 456 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt chưa đến 30 tỷ.
Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu được kiểm soát tốt, tỷ lệ lần lượt là 1,19% và 0,89%. Hoạt động huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tiếp tục của SCB tăng trưởng mạnh với tỷ lệ 5,8% so với cuối năm 2020, đạt 612.375 tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ dân cư chiếm 93,6%, nằm trong nhóm 5 ngân hàng quy mô huy động cao nhất.
Song song đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán cũng ghi nhận tăng trưởng, đạt hơn 1.600 tỷ đồng.
Cuối tháng 6 vừa qua, SCB chào bán thành công 478,8 triệu cổ phiếu ra công chúng, thu hút thêm 4.788 tỷ đồng nguồn vốn mới, nâng mức vốn điều lệ lên 20.020 tỷ đồng. SCB cũng là ngân hàng đầu tiên triển khai thành công phát hành mới cổ phần ra công chúng theo các quy định của Luật Chứng khoán mới (2019) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng và có diễn biến khó lường, ngoài việc tiếp tục các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng và giảm dần lãi suất, SCB cũng triển khai đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhằm đảm bảo tính phù hợp, thận trọng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Đây là bước đi dài hạn của Ngân hàng, nằm trong lộ trình củng cố, tái cấu trúc danh mục tài sản với mục tiêu cải thiện hiệu quả sinh lời một cách bền vững.