Linh hoạt thời gian, hứa hẹn thu nhập tốt, được mở mang kiến thức, mối quan hệ, tăng kỹ năng mềm là những lý do mà công việc tư vấn bảo hiểm nhân thọ hút nhân sự. Không ít người ngoài công việc chính vẫn lựa chọn làm thêm nghề này để kiếm thu nhập tay trái. Nhưng sau những "lùm xùm" gần đây, tình hình đã biến đổi.
Mới đây, trả lời báo chí, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, hiện tại, cả thị trường có 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức, gồm cá nhân lẫn tổ chức.
Sau nhiều "lùm xùm", Bảo hiểm Việt Nam rơi vào khủng hoảng lớn nhất lịch sử, chịu thiệt đơn thiệt kép. "Sản phẩm bảo hiểm không sai, lỗi ở nhân viên tư vấn", ông Dũng nhìn nhận.
Theo ông, riêng năm 2022 đã có hơn 3.100 đại lý vào danh sách vi phạm 14 hành vi. Ngoài các vi phạm như cùng lúc làm đại lý cho nhiều hãng hay liên quan đến tài chính, có trường hợp đại lý tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ. Do đó, bản thân doanh nghiệp nếu không có sự điều chỉnh thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển.
Nhân sự bảo hiểm nhân thọ nghỉ việc nhiều sau những scandal xảy ra gần đây. (Ảnh minh họa)
Còn trả lời VTC News, ông Trần Văn Th, Giám đốc một chi nhánh bảo hiểm nhân thọ ở Hà Nội cho biết, kể từ khi các scandal xảy ra, số nhân viên bán bảo hiểm nghỉ việc ngày càng nhiều do ngày càng gặp nhiều trở ngại hơn. Hiện phần lớn khách hàng coi tư vấn viên bán bảo hiểm là bán hàng đa cấp, không trung thực và thường xuyên kỳ thị họ.
“Tỷ lệ đào thải của nghề vốn đã rất lớn, nhưng sau khi sự cố này xảy ra, số lượng nhân viên tư vấn bảo hiểm nghỉ việc càng lớn hơn. Ví dụ như ở chi nhánh của tôi trước có khoảng 1.000 nhân sự, nay “rơi rụng” gần một nửa, chỉ còn khoảng hơn 500 người, nhưng tỷ lệ ký được hợp đồng mới rất ít”, anh Th nói.
Chia sẻ câu chuyện của chính mình, anh L.H.T, cũng là Giám đốc một chi nhánh bảo hiểm ở một địa phương kể, anh vốn là giảng viên, kiêm Bí thư đoàn Trường một trường Cao đẳng, nhưng vì thu nhập thấp, công việc bấp bênh do cao đẳng khó tuyển sinh nên anh đã đi tìm một công việc mới với hy vọng thu nhập tốt hơn.
Vậy là anh đã nộp đơn ứng tuyển vào một công ty bảo hiểm nhân thọ của Nhật Bản tại Việt Nam và được tuyển vào chức danh Trưởng ban truyền thông, đào tạo. Sau 2 năm làm việc tích cực, có doanh thu bán hàng tốt, anh T được bổ nhiệm là Giám đốc chi nhánh bảo hiểm nhân thọ ở một tỉnh phía Bắc.
Anh T kể, ban đầu anh chủ yếu bán bảo hiểm cho người thân, người quen, rồi từ đó dẫn mối đến bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp cũ.
“Mỗi hợp đồng tôi cũng được hưởng 35% hoa hồng. Sau đó, mình lách quy định của công ty, tự feedback cho người mua 10 - 15%. Mua được hàng rẻ, người này tiếp tục giới thiệu người kia là có mối. Sau đó mình tuyển các đại lý, nhân viên tư vấn mới để mở rộng mạng lưới, tăng kênh bán hàng và có thu nhập từ % của các đại lý mới”, anh T nói.
Cũng bởi việc tư vấn bảo hiểm không yêu cầu cao về kỹ năng nghiệp vụ, không được đào tạo một cách bài bản mà chỉ sau vài buổi tập huấn nên nếu bỏ chút thời gian thì ai cũng có thể trở thành tư vấn viên bán bảo hiểm nhân thọ.
Anh T kể tiếp, chỉ sau 2 năm, anh đã tuyển dụng được hơn 500 nhân viên tư vấn bán bảo hiểm nhân thọ. Tuy số lượng đông nhưng tỷ lệ người làm được việc (ký được hợp đồng bảo hiểm) chỉ chiếm 1/10. Do vậy, không ít người thi xong chứng chỉ là biệt tăm, có người thì làm việc trong thời gian ngắn.
Theo anh T. quy luật đào thải, nhân viên tư vấn bán bảo hiểm có vào, có ra là lẽ thường tình. Nhưng kể từ sau những vụ scandal tố cáo của các nghệ sĩ, người dân với các công ty bảo hiểm, việc tiếp cận khách hàng để giới thiệu, mời ký hợp đồng bảo hiểm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
“Việc bán bảo hiểm vốn bị khách hàng kỳ thị, ngay sau những scandal, sự kỳ thị càng lên đỉnh điểm. Không có lương cơ bản, không ký được hợp đồng mới đồng nghĩa không hưởng % hoa hồng, không có thu nhập nên chỉ hai tuần qua, chi nhánh công ty đã có hơn một nửa trong số hơn 400 nhân viên nghỉ việc”, anh T than.