Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Sắp hết năm học, con chưa một lần được đến trường'

(VTC News) -

Chỉ hai tháng nữa là kết thúc năm học, nhưng bé lớp 1 nhà chị Trần Ngọc Trà (Hà Nội) chưa một lần được đến trường.

Từ ngày học sinh tạm nghỉ đến trường do dịch COVID-19, ngày nào chị Trần Ngọc Trà (38 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng thức dậy từ 5h30 để chuẩn bị bữa sáng và cơm trưa cho hai con rồi mới yên tâm đi làm. Con gái lớn học lớp 6 và con trai nhỏ lớp 1 khá độc lập nên có thể tự chăm sóc và giúp đỡ nhau học online mỗi khi ba mẹ đi làm. 

Tuy nhiên, khả năng tập trung kém, bé lớp 1 chỉ ngồi học được 15 phút là bắt đầu than đau bụng, buồn ngủ, đói, mệt... Ngày nào bố mẹ ở nhà thì liên tục nhắc nhở con nghiêm túc học, còn nếu vắng mặt là trẻ toàn bỏ học giữa chừng. "Đều đặn mỗi ngày tôi nghe không dưới 10 cuộc gọi điện thoại của con gái mách với mẹ việc em trai không chịu học bài, luôn miệng khóc đòi đồ chơi...", chị Trà tâm sự.

Chỉ 2 tháng nữa là kết thúc năm học, nhưng các bé chưa một lần được đến trường. Mỗi tiết học 30 - 45 phút đều diễn ra nhàm chán trước màn hình máy tính vì con chưa quen bạn mới nào ở lớp, không hứng thú học bài. Chị Trà dần chấp nhận việc học của con một năm qua coi như không hiệu quả. Gia đình cũng chị tính cho con đi học thêm dịp hè để bù đắp lại lỗ hổng kiến thức, không bị chậm so với các bạn đồng trang lứa.

Học sinh lớp 1 bỡ ngỡ trở lại trường sau thời gian dài tạm nghỉ. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Không riêng chị Trà, hầu hết các phụ huynh đều băn khoăn bao giờ trẻ tiểu học tại Hà Nội được đến trường học trực tiếp. Chị Nguyễn Ngọc Mai Linh (40 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đau đầu vì sắp xếp thời gian vừa đi làm, vừa trông đứa con học lớp 2. Thời điểm đầu tháng 2, Hà Nội cho phép học sinh lớp 1 - 6 tại ngoại thành đi học trực tiếp trở lại, con gái chị vui mừng ra mặt. Trong 2 tuần đến trường, con nhanh chóng làm quen bạn bè, thầy cô. 

Tuy nhiên số ca nhiễm liên tục tăng cao, trường học buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh. Con lại tiếp tục những ngày nghỉ dài.

"Cách đây 2 tuần, con gái tôi sang nhà hàng xóm chơi và không may bị lây COVID-19. Sau 6 ngày theo dõi và tự điều trị tại nhà, con nhanh chóng âm tính trở lại. Biểu hiện bệnh chỉ dừng lại ở sổ mũi, sốt nhẹ, ho nên gia đình phần nào yên tâm và thấy bệnh tình khá nhẹ nhàng", chị Linh nói. 

Chị cũng cho rằng, dù học online ở nhà nhưng các con vẫn chơi đùa cùng bạn bè trong xóm, đi chơi cùng bố mẹ… Nếu tiếp tục cấm các con đến trường là thiệt thòi và đi ngược với "thích ứng trạng thái bình thường mới". "Để hài hoà được các ý kiến trái chiều của phụ huynh, tôi nghĩ trường nên kết hợp dạy trực tiếp cho các em đi học và trực tuyến cho học sinh ở nhà. Cách này cũng giúp trường hạn chế tập trung đông người", vị phụ huynh nói.

Anh Phan Đức Nam (37 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) từng phản đối kịch liệt việc cho học sinh đi học trực tiếp thì giờ lại ủng hộ. Sau khi cả nhà bị F0 không rõ nguồn lây và nhiều người xung quanh đều nhiễm COVID-19, anh dần thay đổi quan điểm.

"Số ca mắc đang giảm rõ rệt mỗi ngày, Hà Nội cũng đang ở kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đã đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng lớn dù chưa tiêm vaccine cho độ tuổi 5 đến 11. Đây là thời điểm lý tưởng để mở cửa trường cho con đi học và cũng là nguyện vọng chung của đa số phụ huynh trong lớp học”, anh Nam  chia sẻ.

Các chuyên gia cảnh báo trẻ ở nhà học thời gian dài tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề. (Ảnh minh hoạ: V.L)

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, đã đến lúc Hà Nội mở cửa trường học, giống như TP.HCM. Ông đưa ra 3 lý do, thứ nhất, lượng trẻ từng là F0 ở Hà Nội rất lớn, gần như nếu trong gia đình có người mắc COVID-19 thì trẻ cũng mắc.

Thứ hai, trẻ mắc COVID-19 do biến thể Omicron thường có triệu chứng rất nhẹ và nhanh hồi phục.

Thứ ba là việc xử lý các trường hợp F0 xuất hiện trong nhà trường cũng rất đơn giản. Trong khi đó, lợi ích của việc cho trẻ đến trường như trẻ tập trung, tiếp thu tốt hơn, người lớn có thể chuyên tâm lao động, sản xuất, sinh hoạt ổn định.

Mặt khác, chúng ta cần xác định khi cho trẻ đến trường, trong lớp vẫn sẽ xuất hiện F0 mới. Do đó, các trường có thể chia lớp học thành nhóm nhỏ, nếu xuất hiện ca mắc thì việc xử lý gói gọn trong nhóm đó. Nhà trường cần chuẩn bị các tình huống để xử lý nếu xuất hiện F0 trong trường học. Cách xử lý đơn giản nhất là cho F0 đó nghỉ học, tự cách ly đến khi khỏi, lớp học vẫn được tổ chức bình thường. Giống như bệnh cúm mùa, các trường vẫn khuyến cáo không cho trẻ bị sốt hoặc có các dấu hiệu bệnh dễ lây lan đến trường như tay chân miệng, quai bị.

Bác sĩ Trần Đình Huy, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội trải qua đỉnh dịch COVID-19, số ca mắc đang giảm dần mỗi ngây, đây là thời điểm lý tưởng cho trẻ mầm non và tiểu học quay lại trường. Việc trẻ ở nhà hay tới trường đều chịu những nguy cơ dịch bệnh như nhau, trừ khi các bé bị giam lỏng ở nhà hoàn toàn. Có bố mẹ nào dám khẳng định các con 24/7 không tiếp xúc với ai? Hay có dám khẳng định mình hoàn toàn không có nguy cơ lây nhiễm cho con?

"Khi nguy cơ lây nhiễm là tương đương nhau thì việc trẻ được học tập, chăm sóc tại trường mầm non sẽ làm giảm các hệ lụy về kiến thức. Giữa hai phương án đều không trọn vẹn, chúng ta buộc phải chọn phương án tích cực hơn. Tôi tin rằng, mở lại khối mầm non, tiểu học trước các khối khác là một hướng đi cần xem xét và áp dụng sớm", bác sĩ Huy nhấn mạnh.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021 - 2022 thành phố có gần 129.000 học sinh lớp 1. Nếu tính cả cấp mầm non, tiểu học và lớp 6 thì khoảng gần 1,5 triệu học sinh thủ đô đang phải tạm nghỉ ở nhà do dịch COVID-19. 

Hà Cường

Tin mới