Việt Nam là quốc gia yêu bóng đá cuồng nhiệt. Tình yêu được ươm mầm thời khó khăn, khi các gia đình trong xóm, nhà có điều kiện lắm mới có chiếc TV màu để cả xóm cùng tề tựu xem EURO, World Cup
Thời mạng xã hội, cách xem bóng đá đã khác, tân thời, hiện đại và thuận lợi hơn. Tình yêu bóng đá cũng sinh sôi trong những hình hài mới, nhưng bản chất thì không thay đổi. Người Việt Nam vẫn yêu, vẫn mê bóng đá. Ước mơ lớn nhất của người hâm mộ, có lẽ không chỉ còn ngồi trước TV, máy tính xem bóng đá, mà phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, tận hưởng không khí bóng đá để nuốt trọn cái hưng cảm của môn thể thao vua.
Lá cờ Việt Nam xuất hiện trong nhiều trận đấu tại EURO 2020.
Tôi may mắn có điều kiện đi qua những sân vận động lớn như Parc des Princes (Paris), Signal Iduna Park (Dortmund). Đứng ở ngoài thôi cũng cảm nhận sự choáng ngợp. Yêu bóng đá, ai không mơ ước được có mặt ở đấy một lần.
Với EURO, giải đấu đỉnh cao châu Âu 4 năm mới có một lần, việc được góp mặt để tận hưởng không khí bóng đá còn tuyệt vời hơn nữa. Phản ứng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy lá cờ Việt Nam ở sân Gazprom Arena (Saint-Petersburg) là đôi chút… ghen tỵ, nhưng cũng mừng cho đồng hương Việt Nam - những người hâm mộ may mắn hiếm hoi được có mặt ở sân “hít thở” mùi EURO, nhất là trong thời đại dịch, vé đến sân đôi khi chẳng dành cho tất cả, dù là người châu Âu bản địa.
Tôi từng được tham quan sân Santiago Bernabeu của Real Madrid, được giăng lá cờ Việt Nam trên khán đài và chụp tấm ảnh kỷ niệm. Chụp ảnh không phải để khoe. Tôi xem đó chỉ đơn thuần là một hồi ức đẹp. Có một người Việt Nam đã đến đấy, ở đấy, trải nghiệm những điều mình hằng chờ mong.
Video: Lá cờ Việt Nam xuất hiện trên các khán đài tại EURO 2020
Mục đích treo lá cờ Việt Nam của những CĐV khi đến sân đêm 2/7 có lẽ cũng không cần đào sâu quá nhiều. Mang cờ vào sân, có lẽ cũng chỉ đơn thuần là để lại kỷ niệm rằng trận đấu này, trên sân bóng này đã có CĐV Việt Nam đến sân.
Sẽ khiên cưỡng khi cho rằng đó niềm tự hào dân tộc, bởi có nhiều cách thể hiện tình yêu Tổ quốc khác nhau. EURO cũng là sân chơi không liên quan đến tuyển Việt Nam, đó cũng là điều khiến nhiều người “gợn gợn”. Việc mang cờ vào sân không vi phạm luật bóng đá, cũng không làm tổn hại đến ai. Mang cờ thực tế với mục đích gì, cũng không quá quan trọng.
CĐV Việt Nam tới sân theo dõi EURO 2020.
Bỏ tiền vào sân, CĐV có thể làm mọi điều mình muốn, miễn không vi phạm quy định của ban tổ chức. Với những người Việt Nam xa xứ, hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay ở phương trời xa lạ, dẫu thế nào, cũng tạo ra cảm giác thân thương, gần gũi.
Đôi khi, người treo cờ cũng chẳng nghĩ sâu xa như chúng ta nghĩ. Họ không nghĩ đến việc treo cờ sẽ tạo ra hiệu ứng trên mạng xã hội, khiến CĐV nước ngoài hiếu kỳ hay khơi dậy một niềm tự hào lớn lao gì. Họ làm thế, có lẽ chỉ đơn giản là vì thích, vì muốn lưu giữ kỷ niệm với EURO, hay có một suy nghĩ chân phương rằng đó là cách “đánh dấu” để nói rằng ở châu Âu xa xôi, đã có người Việt Nam đến sân để theo dõi bóng đá.
Yêu bóng đá, xem bóng đá, đôi khi không cần nghĩ nhiều. Cứ xem, tận hưởng thôi, khi EURO sắp đi hết hành trình. 3 năm nữa, giải đấu này mới trở lại với chúng ta. Tại sao phải phung phí thời gian cho những tranh cãi tầm phào!?