Liên quan số phận ngôi mộ của vợ vua Tự Đức sau khi bị san phẳng làm bãi đậu xe, PGS.TS Đỗ Bang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế cho rằng, bây giờ đã xác định được ngôi mộ không phải vô chủ, nếu muốn di dời thì phải hỏi ý kiến của thân nhân.
Ông Bang cho rằng tìm thấy huyệt mộ của người đã khuất nên cần ứng xử đúng đạo lý với người đã khuất.
Cũng theo PSG. TS Đỗ Bang, đối xử với người quá cố như thế là không được, chưa nói chuyện di tích hay phế tích. Trước đây, khi sự việc xảy ra thì có thông tin nghi ngờ là mộ của bà Mỹ Phi. Nhưng qua tham khảo với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì không tìm thấy cứ liệu về bà Mỹ Phi.
Con cháu Nguyễn Phước tộc đang tiến hành làm mộ tạm cho bà Cửu giai Tài nhân họ Lê. (Ảnh: Nguyễn Phước tộc)
Ngày 24/6 thì tìm thấy tấm bia, đến ngày 6/7 Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cũng đã tìm ra huyệt mộ. Đối chiếu với bài vị thờ trong lăng vua Tự Đức hoàn toàn trùng khớp và xét về mặt không gian, địa điểm của ngôi mộ có thể xác định 100% đây là mộ của bà Tài nhân Cửu giai họ Lê (vợ của vua Tự Đức).
Khi chưa biết thì khác, nhưng nay đã biết rồi thì cả Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và về mặt quản lý nhà nước UBND thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đều phải có ứng xử phù hợp. Việc ứng xử này, không chỉ về pháp lý mà còn là đạo lý, nhân văn đối với một người quá cố, một nhân vật gắn liền với một triều đại lịch sử.
Với Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc cũng vậy, trước đây họ chưa biết thì khác, nhưng nay biết rồi, họ đã có thể hiện trách nhiệm hương khói, bảo vệ, gìn giữ ngôi mộ.
Các chuyên gia, nhà khoa học đều bày tỏ ý kiến rằng, nên xây lại mộ cho bà Cửu giai Tài nhân họ Lê ở vị trí cũ. (Ảnh: Nguyễn Vương)
"Theo tôi, bây giờ phải tôn trọng nguyện vọng của con cháu Nguyễn Phước Tộc, nếu họ muốn giữ nguyên thì phải giữ nguyên. Theo đó về huyệt mộ phải giữ nguyên trạng, thi hài để nguyên như vậy và xây lại lăng mộ theo quy cũ của thế kỷ trước. Về lâu về dài, ngôi mộ sau này có thể sẽ trở thành một điểm tham quan của di tích. Về tâm linh, giữ nguyên như vậy đôi khi là điều hay cho bãi đỗ xe", PGS.TS Đỗ Bang bày tỏ.
Trong khi đó, trả lời báo chí, nhà báo Dương Phước Thu - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng nhận định, ngôi mộ mặc dù chưa được công nhận di tích nhưng xét về mặt lịch sử thì nó cũng là một bộ phận của di tích có giá trị lịch sử gắn với tổng thể của di tích triều Nguyễn tại Huế.
"Một ngôi mộ được xây ở một vị trí mới thì chỉ phục vụ được việc tâm linh, thờ cúng còn giá trị về mặt vị trí, về mặt lịch sử sẽ không còn", nhà báo Dương Phước Thu nói.
Video: Sai phạm nằm ở đâu trong vụ san phẳng mộ vợ vua Tự Đức làm bãi đậu xe?
Được biết, hiện tại, sau khi bị đào xới làm bãi đậu xe thì tương lai số phận của ngôi mộ bà Cửu giai Tài nhân họ Lê vẫn chưa được định đoạt. Theo cơ quan chức năng thì việc di dời hay để ngôi mộ tại vị trí cũ thì còn chờ quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tuy nhiên, theo Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc thì họ mong muốn được xây dựng lại mộ bà Cửu giai Tài nhân họ Lê ở đúng vị trí cũ.
Trước đó, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng bày tỏ mong muốn được xây dựng ngôi mộ tạm cho bà Cửu giai Tài nhân họ Lê. Tuy nhiên, chính quyền lại không cho phép con cháu trong dòng tộc xây dựng mộ tạm bằng xi măng. Trước hoàn cảnh này con cháu Nguyễn Phước tộc đành xếp gạch, đổ cát để làm mộ tạm và đào hào tránh nước mưa để bảo vệ mộ bà vợ vua Tự Đức.