Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sai lầm khi điều trị cúm tại nhà

Dù là căn bệnh phổ biến, nhiều người vẫn thường xuyên xử lý sai khi mắc cúm, từ đó khiến bệnh diễn biến nặng, kéo dài thời gian điều trị.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận tổng cộng hơn 2.600 trường hợp mắc cúm. May mắn, trong số này, thành phố chưa có bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, CDC Hà Nội nhận định số ca mắc cúm mùa ở địa phương này đang có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây.

Tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn… số lượng người nhập viện do có triệu chứng của cúm tăng cao.

Các bác sĩ cho hay hầu hết bệnh nhân cúm mùa có triệu chứng nhẹ và được chỉ định điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có nguy cơ diễn biến nặng. Do đó, người dân cần tránh tâm lý chủ quan cũng như áp dụng những cách điều trị truyền miệng, thiếu cơ sở khoa học.

Tự ý dùng thuốc, kháng sinh

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, hiện vẫn có nhiều phụ huynh lầm tưởng dùng kháng sinh sẽ giúp bệnh cúm nhanh khỏi.

Tuy nhiên, trên thực tế, kháng sinh không có tác dụng diệt virus - nguyên nhân gây cúm mùa. Vị chuyên gia khẳng định bệnh cúm thường tự khỏi trong vài ngày. Trong thời gian diễn biến bệnh, chúng ta có thể dùng thuốc giảm ho, giảm đau họng hoặc thuốc hạ sốt.

Việc tự ý dùng thuốc, kháng sinh khi mắc cúm có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. (Ảnh minh họa: kristine_wook)

Ông nhấn mạnh: "Lạm dụng kháng sinh điều trị cúm thường rất tốn kém. Trong khi đó, chúng còn có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh".

Thông thường, người bệnh cúm B sẽ diễn biến khá nhẹ. Trong khi đó, cúm A có thể gây biến chứng ở những nhóm nguy cơ cao như trẻ dưới 2 tuổi, người trên 65 tuổi hoặc trường hợp có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn tính, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về gan, thận...

Người suy giảm miễn dịch như HIV, ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép, bệnh khớp uống thuốc chống viêm... cũng trong nhóm nguy cơ.

“Tùy từng trường hợp, từng giai đoạn, bác sĩ có chỉ định riêng về thuốc điều trị cũng như phương pháp chăm sóc, theo dõi”, PGS Dũng nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng khuyến cáo các gia đình không nên tự ý tích trữ thuốc, đặc biệt là Tamiflu. Loại thuốc này được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi...

Theo bác sĩ Dũng, nếu mắc cúm thông thường, các bệnh nhân không cần thiết dùng đến Tamiflu. Việc làm này gây lãng phí. Đáng ngại hơn, lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong tương lai.

Các chuyên gia cũng lưu ý người dân tuyệt đối không dùng các bài thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa cảm cúm, dẫn đến biến chứng.

Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, gợi ý bệnh nhân cúm có thể sử dụng lá chanh, kinh giới, lá mít, lá nhãn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu... để xông hơi giải cảm.

Ngoài ra, lá tía tô, sả, gừng, bạc hà... có thể chế biến thành món ăn giải cảm. Trong khi đó, cháo nấu cùng tía tô, hành, bí đỏ, đậu xanh... khá dễ ăn, thơm, ngon, nhiều dinh dưỡng và có tác dụng giải cảm, phù hợp với người ho, sốt, mệt mỏi.

Tránh mất nước

Một sai lầm khác cũng được PGS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý là hành động đóng kín cửa, trùm chăn để toát mồ hôi. Nhiều người cho rằng việc làm này có thể giúp bệnh nhân cúm “đào thải độc tố”, từ đó nhanh khỏi hơn.

Tuy nhiên, hành động này thậm chí khiến bệnh trầm trọng hơn do gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức ở người bệnh, từ đó suy giảm sức đề kháng.

Nhiều người quan niệm trùm kín chăn, toát mồ hôi có thể khiến bệnh nhanh khỏi hơn. (Ảnh minh họa: rex_pickar)

Theo vị chuyên gia, người mắc cúm mùa cần cố gắng giữ sức khỏe tốt trong những ngày đầu của diễn biến bệnh, hạn chế ra ngoài để cơ thể bình phục hoàn toàn, đồng thời vận động hợp lý, bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin.

Người bệnh cúm cũng phải luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch.

“Những người khỏe mạnh, may mắn chưa mắc cúm nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với các bệnh nhân cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết”, ông đưa lời khuyên.

Một biện pháp phòng bệnh cúm có hiệu quả cao nhất cũng được các bác sĩ khuyến cáo là tiêm vaccine. Cha mẹ cần cho trẻ tiêm vaccine phòng cúm kể từ 6 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, người trưởng thành, trẻ lớn cũng nên tiêm vaccine phòng cúm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ của cơ thể trước sự đột biến của virus cúm.

Theo bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan, khoa Phòng chống Bệnh Truyền nhiễm, CDC Hà Nội, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm và thường vào mùa đông, xuân.

Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Bốn chủng virus cúm mùa là A, B, C và D. Trong đó, virus cúm mùa A và B là 2 chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch cúm mùa cũng như trường hợp tản phát hay đợt bùng phát ngoài mùa cúm.

Theo vị chuyên gia, thời gian ủ bệnh cúm mùa dao động từ một đến 4 ngày (trung bình 2 ngày). Bệnh đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột các triệu chứng như sốt, ho, nhức đầu, đau khớp, đau cơ, đau họng và chảy nước mũi.

Nguồn: Zing News

Tin mới