Sa Tăng luôn bị coi là nhân vật mờ nhạt nhất trong Tây Du Ký, dù siêng năng cần mẫn nhưng lại có phần trầm lắng, cũng chẳng thể hiện được bao nhiêu võ nghệ so với hai vị sư huynh.
Mỗi lần gặp yêu quái Sa Tăng đều bị tóm gọn đầu tiên. Nhưng liệu Sa Tăng có thật sự yếu kém đến như vậy và bí ẩn của nhân vật này là gì?
Sa Tăng còn gọi là Sa Ngộ Tĩnh nghĩa là giác ngộ được tâm thanh tịnh, là Tam đồ đệ của Đường Tăng. Sa Tăng thông thạo 18 phép biến hóa thần thông, nếu so sánh với 36 phép thiên cang của Trư Bát Giới và 72 phép địa sát của Tôn Ngộ Không thì Sa Tăng là yếu nhất.
Trong quá trình đi thỉnh kinh cùng sư phụ và các sư huynh, Sa Tăng cũng không thể hiện được nhiều võ lực của mình mà chủ yếu làm công việc khuân vác hành lý. Mỗi lần gặp yêu quái, Sa Tăng cùng sư phụ là những người đầu tiên bị bắt.
Tuy nhiên, Sa Tăng không hề yếu kém như nhiều người lầm tưởng. Trong trận chiến giữa Sa Tăng cùng Ngộ Không và Bát Giới ở những tập đầu tại sông Lưu Sa, Sa Tăng đã thể hiện bản lĩnh đáng gờm trước nhị vị sư huynh.
Ngộ Tĩnh đã có 3 lần giao đấu với Ngộ Không và Bát Giới. Lần đầu, Sa Tăng và Bát Giới đấu với nhau hơn 20 hiệp nhưng vẫn không thể phân thắng bại. Lần thứ hai, Bát Giới dụ Sa Tăng tới mép sông, đánh nhau vài hiệp Sa Tăng lại lặn xuống, Bát Giới đuổi theo đánh nhưng không lại.
Đến lần thứ ba, Sa Tăng không ngoi lên bờ nữa mà cứ ở giữa lòng sông, Ngộ Không thấy vậy bèn bay lên không định đánh lén Sa Tăng nhưng bại vẫn hoàn bại. Tôn Ngộ Không phải cầu cứu Quan Âm Bồ Tát, Bồ Tát phái Mộc Tra xuống thu phục Sa Ngộ Tĩnh, quy y làm đồ đệ thứ ba của Đường Tăng.
Như vậy cả ba lần giao tranh với hai sư huynh, Sa Tăng đều cho thấy sự ngoan cường của mình. Đến cả Thiên Bồng Nguyên Soái – Trư Bát giới được coi là tay thiện nghệ về đánh thủy cũng phải chịu hàng.
Xét về bản lĩnh chiến đấu, Sa Tăng không thua kém gì Trư Bát Giới và chỉ thua Tôn Ngộ Không khi giao đấu trên cạn.
Khi giao đấu dưới nước, Sa Tăng có bản lĩnh không thua kém gì nhị vị sư huynh.
Trước khi hạ phàm làm yêu, Sa Tăng từng giữ chức Quyển Liêm Đại tướng, bề ngoài là coi việc trông rèm nhưng thực chất lại là vệ sĩ số một của Ngọc Hoàng. Đương nhiên để làm vệ sĩ cho Ngọc Hoàng đòi hỏi Sa Tăng phải có bản lĩnh hơn người mới được lựa chọn.
Sa Tăng đã có một khoảng thời gian dài tu hành đắc đạo trước khi được mời lên làm quan trên Thiên Đình. Vì vậy, cũng giống như đại sư huynh của mình, Sa Tăng cũng có căn cơ và bản lĩnh từ trước.
Xét về vũ khí, vì làm hộ sĩ bảo vệ Ngọc Hoàng nên Sa Tăng được ban cho Hàng Yêu Bảo Trượng nặng tới 5.048 cân, đây vốn là một kỳ trân dị bảo trên Thiên giới. Cây bảo trượng này không chỉ được đúc từ những vật liệu quý mà nó cũng có thể biến to nhỏ, ngắn dài tùy ý.
Sau này chính cây trượng đó đã biến thành đòn gánh để Sa Tăng gánh hành lý trên đường đi thỉnh kinh.
Từ một cây trượng nhuốm máu, Sa Tăng đã biến nó thành đòn gánh gánh đồ cho sư phụ.
Bên cạnh đó, Sa Tăng là một con yêu quái đã ăn thịt vô số người trước khi được thu phục làm đồ đệ của Đường Tăng. Khi đó, Sa Tăng xưng bá tại sông Lưu Sa mấy trăm năm, y ăn thịt bất cứ ai đi qua sông trong đó có 9 lần ăn thịt người đi lấy kinh.
Sông Lưu Sa là con sông lông ngỗng cũng không thể nổi lên, nhưng kỳ lạ thay chỉ có chín cái đầu lâu của người đi lấy kinh này là nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Thấy vậy Sa Tăng đã xâu 9 cái đầu lâu này làm vòng cổ.
Sự thật không ai biết rằng, 9 cái đầu lâu này đều là đời trước của Đường Tăng. Như vậy Sa Ngộ Tĩnh đã ăn thịt Đường Tăng tới 9 lần, đó là lý do trong Tây Du Ký thường nói Đường Tăng là Kim Thiền Tử chuyển thế lần thứ 10.
Chính vì ăn thịt Đường Tăng trong suốt 9 kiếp mà Sa Tăng không chỉ trường sinh bất tử, công phu nội hàm cũng tăng lên đáng kể, khiến y trở thành yêu quái duy nhất được ăn thịt Đường Tăng.
Đường Tăng, Ngộ Không hay Bát Giới đều không hề biết về điều này còn Sa Tăng thì mãi giấu chặt bí mật, có chăng thì có Phật Tổ Như Lai và Quan Thế Âm Bồ Tát biết. Như vậy, có thể nói rằng Sa Tăng là kẻ bất tử ẩn mình và duy nhất của Tây Du Ký.