Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rừng hết, muôn thú vãn, hết trường ca Đam San

(VTC News) -

Mọi thứ ở Tây Nguyên, từ con người đến văn hóa đều sinh ra từ rừng, vĩ đại nhờ rừng, vững chãi và tồn tại cũng nhờ rừng.

Mọi thứ ở Tây Nguyên, từ con người đến văn hóa đều sinh ra từ rừng, vĩ đại nhờ rừng, vững chãi và tồn tại cũng nhờ rừng. Tiếng khan, tiếng cồng, tiếng chiêng chỉ thật sự thiêng liêng, trở thành văn hóa khi liên hệ với rừng. Bởi, chúng sinh ra từ rừng...

Tây Nguyên là miền đất huyền thoại, là nơi cư trú của người Ba Na, Ê Đê, M’Nông, Gia Rai… Đây cũng là vùng đất có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô giá, vùng đất của những điệu cồng chiêng, của rượu cần, đàn T’rưng…

Nếu hỏi Tây Nguyên có gì đặc biệt nhất, có thể sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng kho báu anh hùng ca - sử thi chắc chắn là câu trả lời thỏa đáng. Ở Tây Nguyên, nhiều dân tộc có sử thi anh hùng. Theo ngôn ngữ của mỗi dân tộc, sử thi được gọi với tên khác nhau.

Video: Sử thi Tây Nguyên có còn âm vang?

 

Người Ê Đê gọi sử thi là Khan, người M’Nông gọi là Ót N’drông, người Ba Na gọi là H’amon, người Xơ Đăng gọi là Hơmoan, người Chăm gọi là Akhan, người Gia Rai gọi là Akhar Jur Car…

Dịp lễ hội mở ra, người Tây Nguyên nhảy múa quanh ngọn lửa, cùng vít cần rượu để cùng nhau thắt những mối dây cộng cảm và kết nối cộng đồng, làm nên “phổ văn hóa rừng” vừa hùng tráng, vừa lãng mạn và bay bổng.

Theo Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, tại khu vực Tây Nguyên, các nhà văn hóa đã sưu tầm được hơn 800 sử thi, thuộc các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, M’Nông, Ba Na, Chăm H’roi, Stiêng, Xê Đăng, K’Ho, Mạ.

Số chưa kịp ghi chép, dự kiến cũng có tới trăm bộ. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, sử thi Tây Nguyên là “một kho tàng văn học dân gian khổng lồ, một kho lịch sử - văn hóa vô giá có thể so sánh với kho thần thoại Hy Lạp nổi tiếng”.

Nhưng theo ông Lại Đức Đại - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, những “kho báu sống” về sử thi từ chỗ vài trăm nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nhiều người già về với “đất nước ông bà”, người còn sống thì tuổi cao, trí nhớ giảm sút.

Môi trường diễn xướng (hát kể) của sử thi cũng đang mất dần. Không gian hát kể sử thi mang tính tập thể trước kia như nhà dài, nhà rông, lúc lên rẫy, đi rừng, lễ hội… đã bị thu hẹp.

Trong số những nghệ nhân M’Nông ít ỏi còn lại, già Điểu Klung (82 tuổi) ở buôn Tul A (xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) là người thuộc và vẫn cần mẫn biên dịch những sử thi M’Nông mà mình thuộc từ hàng chục năm trước.

Căn nhà lụp xụp của già Điểu Klung nằm một góc bên con đường đất gồ ghề, bụi tung mù mịt. Già ngồi dưới bóng cây cạnh nhà tránh cái nắng hắt của thời tiết.

Cạnh nhà già Điểu Klung, những chú bé đen nhẻm, đôi mắt tròn xoe, đầu đội nón hip hop, áo phông, quần túi hộp cũng ngấp nghé ngó ra.

Thấy chúng tôi, già Điểu Klung nở nụ cười vui thân thiện trên khuôn mặt đen đúa, nhăn nheo. Nghe nói đến sử thi, đôi mắt già rực sáng, gương mặt bừng lên sự háo hức.

 

Già vẫy tay gọi chúng tôi vào. Trong ngôi nhà, ngoài mấy tấm bằng khen và những cuốn sử thi M’Nông thì không có cái gì đáng giá.

Các con già Điểu Klung bảo, trăm ngày như một, sau bữa cơm tối, già nằm nghỉ một chút trên chiếc võng đã sờn cũ, rồi chong đèn ghi chép, dịch lại theo trí nhớ những thiên sử thi mà mình từng thuộc từ thời trẻ.

Theo già, “Ót” có nghĩa là hát, còn N’drông là câu chuyện xa xưa. Đây là hình thức hát kể chuyện xưa của người M’Nông.

Già Điểu Klung sinh ra trong một gia đình vốn yêu thích văn nghệ dân gian ở bon Pu Prâng (xã Quảng Trực, Tuy Đức, Đắk Nông). Nhà có 4 anh em. Ngày ấy, bố mẹ già giàu nhất bon (buôn), bố là người thuộc nhiều sử thi M’Nông nhất trong số các anh em.

Truyền thống người M’Nông xưa chỉ truyền Ót N’drông cho một người con duy nhất trong nhà và người đó phải ăn lá cây ngải để có giọng hát hay. Khi bố truyền lại Ót N’drông cho người anh thứ ba (Điểu K’lung là em út) ở trên rừng, ông đi theo nghe và trong đầu ông “dính” Ót N’drông từ đó.

Rồi những đêm canh rẫy ở chòi, lúc đi chăn trâu hay đi suối đâm cá, anh em nhà Điểu K’Lung lại được nghe ông già, bà lão trong buôn hát sử thi. Lúc về nhà thì dù ngủ hay thức cũng nghe cha hát kể, nghe miết tới mức hôm nào không nghe là thấy như nhà thiếu gạo, thiếu muối.

Lớn lên một chút, Điểu K’Lung không nhớ nổi cái chữ vì nhà nghèo, học ít, nhưng lại thuộc hàng trăm tác phẩm sử thi. Người anh trai Điểu Kâu thông thạo tiếng phổ thông nên trở thành một dịch giả sử thi M’Nông.

Theo lời già Điểu Klung, bon Pu Prâng ngày trước gần vùng biên heo hút, đời sống của bà con M’Nông gắn với những lễ cúng bến nước, cúng cơm mới, lễ bỏ mả, lễ thổi tai cho trẻ… Những dịp cúng lễ dường như đem lại cho cậu bé Điểu Klung niềm vui khác ngoài những thanh âm cồng chiêng rộn rã, nhất là khi nghe già làng, nghệ nhân trong bon hát kể Ót N’drông.

30 tuổi, già theo vợ về Đắk Lắk ở rể theo phong tục người Ê Đê. Năm 1994 già tham gia dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện tại tỉnh Đắk Lắk.

 

Gần 7 năm liền (2001 - 2007), già rong ruổi khắp vùng cùng anh trai Điểu Kâu, chị gái Thị Doanh và cháu gái là Thị Mai ghi âm, biên dịch để in hơn 50 sử thi M’Nông. Nay người anh trai đã mất, già Điểu Klung vẫn cần mẫn nghiên cứu và lưu giữ những giá trị của Ót N’drông.

Già bảo, sử thi M’ Nông thường dài hơn sử thi Ê Đê. Bài dài nhất kể đến 6 ngày, bài ngắn 2 - 3 ngày. Trung bình mỗi bài ghi âm dài từ 7 đến 10 băng, dịch ra song ngữ M’Nông - Việt dung lượng lên tới cả nghìn trang.

Sử thi M’Nông thường được diễn xướng vào những đêm nông nhàn sau mùa làm rẫy, dịp lễ hội trong năm, trong lúc nghỉ ngơi trên rẫy, sau những ngày lao động vất vả. Khi màn đêm buông xuống, người M’Nông thường kéo đến nhà có người hát kể, thưởng thức câu chuyện xa xưa của cha ông mình.

Từ đêm này qua đêm khác, bên bếp lửa, già trẻ, nam nữ ngồi bên nhau nghe người già hát kể sử thi - đây chính là hình thức truyền dạy gián tiếp cho các thế hệ kế cận.

 

Già Điểu Klung kể, người M’Nông gần gũi sông suối, rừng cây, yêu thương từng thảm cỏ, cành hoa, từng mùa nắng mưa người lên nương rẫy, chung tay vun trồng, gặt hái. Ngày lễ hội mừng lúa mới, trong đêm trăng sáng vang vọng tiếng cồng chiêng, sông núi, rừng cây hòa lòng người, tiếng nhạc bên ánh lửa củi sáng hồng, người người chuyền tay nhau cần rượu thơm hương lúa mới.

Rừng vừa là không gian vừa là thời gian, người M’Nông đo thời gian chính bằng không gian ấy. Trước khi đi săn người ta phải cúng thần rừng, trước khi chặt cái cây về làm K'pan (ghế dài làm bằng cây gỗ liền) người ta phải cúng thần cây.

Nhưng gần chục năm trở lại đây, những cánh rừng cứ dần biến mất. Những chiếc cưa máy dài ngoằng theo bàn tay con người đốn hạ những cây rừng trăm tuổi, chỉ sau một đêm, hàng chục hecta rừng tại huyện Buôn Đôn bị đốn hạ, nhiều quả đồi bị "cạo trọc", rừng bị đốt nham nhở. Cán bộ xã có mặt thì họ rút đi, cán bộ về là họ tiếp tục phá rừng. Rừng qua năm, qua tháng tàn từ thượng nguồn núi cao, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh bị chặt hạ, tất cả cạn kiệt…

“Mùa xuân này, người M’Nông buồn không còn thấy cây ngàn bóng cả, chim thú cũng buồn, không còn bay nhảy bên cành nhánh khô khốc trần trụi, tháng ngày qua đã bỏ đi xa. Không có rừng thì chẳng có nhà để ở, chẳng có đất để làm rẫy, cũng không có cái lá để làm men rượu”, đôi mắt già làng M’Nông buồn xa xăm, ông nói như khóc.

Nói rồi già rảo bước đưa chúng tôi ra rẫy. Già bảo, phải ra chòi, nhìn thấy thần rừng Ót N’drông mới vang lên được.

Và giữa khoảnh đất trống, xung quanh là những tán cây khô cằn, già bắt đầu Ót N’drông Bông, Rong và Tiăng bằng tiếng M’Nông, tạm dịch ra tiếng Việt:

“Không có một bụi cây che nắng/ Không có một bụi tre cho người núp/ Cũng không có một bụi cỏ tựa lưng/ Người trên kia gieo lúa vào kẽ đá/ Rong dứt lời Bông đáp lại ngay/ Thế ư em, anh đã biết rồi/ Em để anh lo cho là xong/ Bông nghĩ đến việc đắp đất trồng cây trên đó/Trồng các loại cây cỏ/ Trồng các loại cây ăn cỏ/ Bông mang theo các loại ong và chim muông/Bông mang theo giống cây trồng làm hàng rào/ Đem giống cây tre giúp nghề đan gùi”.

Từ chỗ là “món ăn” không thể thiếu như gạo, như muối trong đời sống hằng ngày, sử thi Tây Nguyên vốn gắn liền với văn hóa nương rẫy, nhà dài, nhà rông, bến nước, nhà mồ… đang bị mất đi.

Rừng mất, tiếng chiêng không còn, bếp lửa cũng tắt… liệu ai còn muốn hát khan?

 

Già Y Wang Hwing (73 tuổi), ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, là một trong những nghệ nhân hát kể sử thi hiếm hoi của người Ê Đê ở Đắk Lắk. Với ông các điệu khan thân thuộc như hơi thở của chính mình. Ông say mê hát kể cho bất cứ ai muốn nghe và sẵn sàng truyền dạy cho bất kỳ ai muốn học.

Nghệ nhân Y Wang thuộc 4 sử thi nổi tiếng của người Ê Đê gồm: ÊĐăm Bhu - Đăm Bha, ÊĐăm San, Êbõng Hiu Knuh YBũng HĐăng.

Trong ngôi nhà xây kiên cố, nghệ nhân già đưa ánh mắt đăm chiêu nhìn về phía mấy nhạc cụ dân tộc được cất giữ cẩn thận, ông mở ngăn tủ kính lấy cây đàn goong ra tấu một bản để đón khách.

Huyện Cư M’Gar có 24 dân tộc anh em đang sinh sống. Trong đó, nhóm cư dân bản địa người Ê Đê, Xê Đăng, M’Nông đều có trường ca - sử thi riêng của dân tộc mình. Ngày xưa, mỗi buôn có một, hai người biết hát. Giờ cả huyện chỉ còn năm người, được xem như “di sản sống”.

Già làng Y Wang Hwing, người Ê Đê, ở buôn Tría, nổi tiếng hơn cả. 17 năm trước, ông từng khiến những người tham dự Lễ hội Âm nhạc dân gian thế giới ở Phần Lan sửng sốt khi diễn xướng trường ca liên tục suốt 8 giờ.

Buôn Tría ngày nay hiếm thấy nhà dài, nhà sàn. Chỉ có những ngôi nhà tường gạch giống miền xuôi. Có  khác chăng chỉ là nhà ai cũng có một khoảng sân rộng để phơi cà phê. Nhà của già làng Y Wang Hwing cũng mang những nét “hiện đại” đó.

Thứ duy nhất nhận ra đặc trưng của người Ê Đê là tấm ảnh ông mặc chiếc áo thổ cẩm được treo trong phòng khách bên cạnh bằng khen của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

 

Già Y Wang Hwing kể, nếu như trước đây, buôn làng nào cũng có vài người biết hát kể sử thi và loại hình nghệ thuật này vẫn được trình diễn phổ biến trong cộng đồng thì ngày nay, nghệ nhân ngày càng hiếm. Bà con buôn làng cũng không còn quây quần bên bếp lửa bập bùng nghe nghệ nhân hát sử thi, những đêm khan huyền thoại ở Tây Nguyên đang mất dần.

Lũ trẻ con ngoài giờ học hay lúc làm rẫy thì thích nghe nhạc hip hop, thích xem phim Hàn, thích ra phố mua sắm, dường như bỏ hẳn thói quen nghe già kể trường ca Đăm San, Đăm Bri, Kinh Dú, Xinh Nhã...

Tối cao nguyên buốt lạnh. Trong căn nhà khang trang, già Y Wang Hwing húng hắng ho. Đôi mắt thoáng buồn khi nhắc nhớ về những đêm trường ca huyền thoại của hơn nửa thế kỷ trước, khi mà cả đại gia đình cùng sống trên một mái nhà dài.

Bảy, tám gia đình, mấy chục con người cùng ăn, cùng ngủ, cùng thao thức trong một không gian. Đó là những lúc nông nhàn, đồng bào gọi là mùa “ăn năm uống tháng”. Bếp lửa ấm áp được nhen lên, người già bắt đầu hát trường ca - sử thi.

Đêm đêm quanh bếp lửa hồng tỏa ấm nhà dài, những người già ngân nga câu hát kể về những dũng sĩ Đam San, Đam Di hùng cứ một phương. Đêm này qua đêm khác, củi cứ được tiếp thêm cho bếp lửa ấm áp bừng sáng. Tiếng chiêng, tiếng đàn và những câu chuyện cứ nối dài từ đêm này sang đêm khác. Cứ thế, trường ca - sử thi cũng như một dòng chảy triền miên, truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác.

 

Chiều buông. Lạnh. Già Y Wang Hwing ngưng kể chuyện ngày xưa bên bếp lửa. Ông bước xiêu vẹo đi tìm “kho báu” của mình: Đàn k’ni, Gôc, Đinh Năm, Đinh Ktuk (ống sáo trúc).

“Từ xa xưa, trong trường ca - sử thi có nhiều đoạn nói về mối quan hệ giữa người với rừng. Ai phá rừng, phá nguồn nước là bị phạt nặng lắm. Phạt con trâu, con bò chứ không ít. Nói miệng thôi. Không giấy tờ gì cả. Nhưng quy ước bảo vệ rừng nghiêm ngặt lắm. Giờ rừng không còn. Cũng lấy đâu ra gỗ để làm nhà dài. Những đêm hát trường ca bên bếp lửa cũng không còn nữa…”, già Hwing nói. “Nhà dài như một tiếng chiêng ngân đâu còn. Rừng ngày xưa cũng không còn, đất không giữ được nước ngầm. Giờ lo cho rẫy cà phê. Mùa khô hạn lo đi tưới nước cho cà phê..."

Không còn không gian, trường ca cũng bơ vơ ngay trên buôn làng.

“Giờ rừng còn ít nên thời tiết cũng thay đổi, trời nóng lắm, con cháu mình không còn muốn đốt lửa nhảy múa nữa, tiếng cồng chiêng chỉ vang lên mỗi khi buôn làng tiếp khách quý hoặc có lễ hội, người già chúng mình làm gì kể được khan nữa đâu, phải có tiếng cồng chiêng, phải có cây rừng, phải có con thú bên cạnh.

Giờ con tê giác không còn, con hổ không thấy vết, cây rừng theo những chiếc xe to về miền xuôi cho người ta xây nhà, “ÊĐăm Bhu - Đăm Bha”, “ÊĐăm San”, “Êbõng Hiu Knuh” và “YBũng HĐăng” đám thanh niên của làng không hiểu nữa rồi. Khan rời cánh rừng xa, rời con suối gần, rời bếp lửa đêm rừng, rời muôn thú sẽ lạc lõng lắm”, già Y Wang HWing bảo.

 

Nguồn:

Tin mới