Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rửa nho theo cách này khác gì rước ký sinh trùng vào bụng

(VTC News) -

Nho là một trong những loại trái cây khó rửa sạch nhất, chúng sẽ cực kỳ bẩn nếu được rửa không đúng cách, khiến bạn đưa vi khuẩn, hóa chất, ký sinh trùng vào bụng.

Nho là một trong những loại trái cây bổ dưỡng nhất. Chúng là nguồn vitamin K, canxi, magiê và kali dồi dào, tất cả đều hỗ trợ tăng cường sức khỏe của xương. Lượng vitamin C cao trong nho giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Cơ thể con người không tự sản xuất vitamin C nên bạn cần lấy dưỡng chất này từ thực phẩm và nho là lựa chọn tuyệt vời.

Nho chứa nhiều chất chống oxy hóa, trong đó có quercetin với tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh, chống lại sự tấn công của bệnh Alzheimer. Chất polyphenol hỗ trợ sức khỏe đường ruột, tăng cường khả năng miễn dịch...

Sai lầm khi rửa nho

Những quả nho luôn kết thành chùm với nhiều lớp chồng lên nhau, những lớp phía trong bị che khuất rất khó rửa sạch; chưa kể các khoảng trống, các kẽ của chùm nho là nơi giữ lại chất bẩn, cũng là chốn trú ngụ của vi khuẩn, ký sinh trùng. Phần dịch ngọt thơm chảy ra từ những quả nứt vỡ thu hút cả côn trùng, cũng là môi trường phát triển thuận lợi của vi khuẩn. 

Nếu bạn chỉ rửa nho bằng nước máy thông thường thì sẽ không làm sạch được vi khuẩn, ký sinh trùng và cả tồn dư hóa chất độc hại (nếu có) trong chùm nho. Các chuyên gia về nông sản và an toàn thực phẩm lưu ý, để nho không bị côn trùng phá hoại, nông dân có thể phun một lượng lớn thuốc trừ sâu. Nếu rửa không kỹ, dư lượng thuốc trừ sâu còn lại trên vỏ, trong các kẽ quả nho sẽ gây hại cho sức khỏe.

Một cách rửa nho sai lầm khác là rửa nguyên cả chùm, cho dù là rửa dưới vòi nước chảy mạnh hay trong chậu nước lớn, vì bạn sẽ không có cách nào làm sạch những khe kẽ và những quả nằm khuất phía trong. Rửa nho theo cách này, chẳng khác nào bạn rước vi khuẩn, hóa chất hay ký sinh trùng vào bụng.

Các kẽ của chùm nho chính là nơi trú ngụ của rất nhiều loại ký sinh trùng. (Ảnh: Sohu)

Các chuyên gia cũng cho rằng, để nho không bị côn trùng phá hoại, người nông dân có thể phun một lượng lớn thuốc trừ sâu. Nếu rửa không kỹ, dư lượng thuốc trừ sâu còn lại trên vỏ, trong các kẽ quả nho sẽ gây hại cho sức khỏe.

Cách rửa nho đúng

Rửa nho thế nào là đúng cách? Bạn hãy làm theo các bước sau:

- Dùng kéo cắt nho khỏi cuống. Cách này sẽ giúp những quả nho không bị nhiễm bẩn từ cuống, sau khi rửa cũng sẽ bảo quản được lâu hơn.

- Cho nước vào chiếc chậu sạch, thêm một thìa muối ăn để tạo dung dịch rửa nho. Muối ăn có tác dụng diệt khuẩn và có thể tiêu diệt vi khuẩn, trứng côn trùng trên bề mặt quả nho một cách hiệu quả. Sau đó, bạn cho thêm một lượng nhỏ baking soda - một chất tẩy rửa tự nhiên, có thể loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu và chất bẩn trên bề mặt quả nho.

Nước ngâm nho nên cho thêm muối và baking soda. (Ảnh: Sohu)

Cho thêm vào chậu 1 thìa bột mỳ. Bột mỳ có khả năng hấp phụ mạnh và có thể dễ dàng loại bỏ bụi bẩn trên bề mặt nho, đặc biệt là bụi bẩn bám chặt trên vỏ nho do chất đường. Sau khi cho bột vào, bạn dùng tay khuấy nhẹ, sau đó để yên trong 10 phút. Khoảng thời gian này đủ để trứng sâu bướm nhỏ và ấu trùng bám trên nho nổi lên bề mặt do chúng không có khả năng thở.

Sau 10 phút, bạn có thể thấy chất bẩn bám trên bề mặt nho đã được cuốn trôi. Lúc này bạn chỉ cần dùng tay chà nhẹ những quả nho để loại bỏ hết bụi bẩn trên bề mặt.

Sau quá trình làm sạch trên, những quả nho đã an toàn. Bước cuối cùng là làm sạch bề mặt nho dưới vòi nước đang chảy để đảm bảo không còn cặn bẩn, sau đó để ráo nước là có thể thưởng thức.

Sau khi ngâm nho xong, nên xả lại dưới vòi nước để tiếp tục làm sạch. (Ảnh: Sohu)

Muối, bột mỳ và baking soda đều vô hại với cơ thể con người, do đó phương pháp làm sạch này rất an toàn. 

Cách chọn nho ngon

- Nhìn bề ngoài: Trên bề mặt nho tươi ngon có một lớp phấn trắng mịn, đây là lớp bảo vệ tự nhiên có thể ngăn chặn tình trạng mất độ ẩm và vi khuẩn xâm nhập. Nếu bề mặt nho không có lớp phấn này hoặc có đốm, vết nứt và các đốm màu khác nghĩa là nho không còn tươi hoặc đã bị hư hỏng. Nho tươi có màu sáng, còn nho hỏng có màu xỉn hơn.

- Chạm vào cuống chùm nho: Cuống nho tươi luôn chắc, cứng và xanh, còn cuống nho héo, để lâu sẽ khô và có màu vàng hoặc sẫm. Nếu có khoảng trống hoặc sự lỏng lẻo giữa thân và quả nghĩa là nho đã cũ hoặc bị mất nước. Nếu trên thân quả có đốm mốc hoặc trứng côn trùng nghĩa là nho đã bị hư hỏng hoặc nhiễm khuẩn.

Để chọn nho ngon, cần chú ý màu sắc, hương vị. (Ảnh: Sohu)

Hương vị: Nho tươi có vị ngọt và mọng nước, còn nho già có vị chua và không có vị. Nếu nho có vị lạ hoặc đắng nghĩa là nho có dư lượng thuốc trừ sâu hoặc các vấn đề khác và không nên ăn để đảm bảo sức khỏe.        

MAI MAI (Nguồn: Sohu)

Tin mới