Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rắc rối ập xuống đầu dân khi dùng căn cước công dân, CMND mới: Cục Cảnh sát quản lý hành chính lên tiếng

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH giải đáp thắc mắc của người dân về những phiền toái gặp phải khi dùng căn cước công dân, CMND mới.

Trước phản ánh về những phiền toái, rắc rối của người dân khi chuyển đổi từ Chứng minh nhân dân (CMND) sang Căn cước công dân (CCCD) mới, VTC News có cuộc phỏng vấn Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) để làm rõ hơn vấn đề này.

 Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an trả lời PV VTC News.

- Việc chuyển đổi CMND 9 số sang CMND 12 số và sau đó là thẻ CCCD được triển khai trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh họ gặp vô vàn rắc rối, khó khăn khi chuyển đổi 3 loại giấy tờ tùy thân này?

Việc triển khai cấp CMND 12 số, sau này là CCCD được triển khai thí điểm ở một số quận huyện của TP Hà Nội. Sau khi triển khai thí điểm xong, đến cuối năm 2013, Bộ Công an sơ kết, tổng kết để triển khai ra toàn quốc.

Đến nay, Bộ triển khai ra được 16 tỉnh/thành và việc tính toán để cấp giấy xác nhận CMND 9 số với CMND 12 số, sau này là CCCD được đặt ra ngay từ ban đầu.

Tháng 1/2014, khi triển khai cấp CMND 12 số ra toàn quốc, Bộ Công an đã ban hành thông tư số 05 quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp CMND 12 số, trong đó có quy định mẫu giấy xác nhận số CMND để công dân sử dụng trong giao dịch hành chính công.

Như vậy, vướng mắc trong việc sử dụng giấy tờ mới cho công dân được Bộ Công an đặt ra từ đầu chứ không phải sau này mới đặt ra.

Đến năm 2016, khi bắt đầu cấp CCCD thì vẫn triển khai thực hiện cấp giấy xác nhận cho công dân. Đến năm 2017, nhận thấy nhu cầu sử dụng giấy này của công dân là rất nhiều, Bộ Công an có quy định bất cứ công dân nào cấp đổi CMND 9 số sang CCCD đều được cấp giấy xác nhận số CMND cũ, để công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính công.

Cho đến nay, công tác này cơ bản thực hiện tốt. Từ tháng 1/2014, sau khi toàn quốc triển khai thực hiện cấp CMND 12 và sau này là CCCD thì đến nay phục vụ được cho tất cả các yêu cầu của người dân khi đi giao dịch, đảm bảo không bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

- Tuy nhiên, việc cấp giấy xác nhận cũng phát sinh nhiều vấn đề khi người dân bỗng nhiên phải mang thêm một loại giấy tờ khi giao dịch, chưa kể quá trình bảo quản lưu trữ giấy tờ này nhiều năm sẽ gây thêm nhiều phiền phức. Có ý kiến đề xuất phương án đơn giản là in số CMND cũ vào thẻ CCCD để thuận tiện trong giao dịch, giảm bớt thủ tục cho người dân. Bộ Công an có tính đến phương án này?

Vấn đề này được đặt ra ngay từ ban đầu khi triển khai cấp CMND 12 số. Lúc đó rất nhiều các cơ quan quản lý của Nhà nước cũng như các cơ quan báo chí đặt vấn đề với Bộ Công an về vấn đề này.

Tuy nhiên nguyên nhân không triển khai thực hiện được điều này là do đối với quy định cũ trước đây về cấp CMND 9 số, khi công dân chuyển nơi đăng ký thường trú sang một tỉnh/thành khác thì công dân phải đổi CMND và khi đổi CMND thì số CMND của công dân sẽ phải thay đổi. Như vậy, một công dân không phải chỉ có 1 số CMND 9 số mà có thể có rất nhiều số CMND 9 số do đổi nơi đăng ký thường trú ở nhiều tỉnh/thành khác nhau.

Chính vì thế, không thể điền tất cả các số CMND 9 số vào CMND 12 số hoặc thẻ CCCD. Và vì những lý do đó, Bộ Công an mới ban hành thông tư và quy định ban hành giấy xác nhận để xác nhận các số CMND cũ mà công dân sử dụng để giao dịch trong các quan hệ hành chính công. 

 

Phương án in số CMND cũ vào CCCD mới là không khả thi bởi vì không thể in nhiều số CMND cũ lên thẻ căn cước mới

Đại tá Phùng Đức Thắng

Với các số CMND 9 số khác nhau, công dân cũng được cấp các giấy xác nhận khác nhau để thuận tiện trong giao dịch theo đúng nhu cầu. 

Tóm lại, phương án in số CMND cũ vào CCCD mới là không khả thi bởi vì không thể in nhiều số CMND cũ lên thẻ căn cước mới, chưa kể kích thước của căn cước nhỏ như vậy, các dòng thông tin ở trên căn cước nếu có in phải in cả số CMND, ngày cấp, nơi cấp, thì sẽ không đủ chỗ.

Còn nếu chỉ in duy nhất số CMND thì các cơ quan làm thủ tục hành chính, các ngân hàng hay tất cả các đơn vị khác chắc chắn sẽ không đồng ý với việc chỉ có riêng số CMND cũ như vậy.

Chỉ có giấy xác nhận là có thể đáp ứng tất cả những nhu cầu của công dân cũng như các cơ quan hành chính công.

- Có thể nói rắc rối sẽ phát sinh ở những công dân thay đổi số CMND nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ người dân thay đổi số CMND 9 số nhiều lần chắc hẳn không cao?

Trước đây, chuyện một người từ Hà Nội chuyển đến TP.HCM hoặc công dân chuyển công tác, di cư về một đơn vị hành chính mới thì tỷ lệ này cũng rất nhiều, không đáp ứng được hết.

Và khi không đáp ứng hết nhu cầu của công dân thì sẽ lại xảy ra vướng mắc. Vì vậy, phương án cấp giấy xác nhận CMND cũ là đảm bảo cho tất cả người dân đạt được nhiều yêu cầu hơn.

- Như vậy với hàng chục triệu công dân, mỗi người sẽ phải có thêm ít nhất 1 tờ xác nhận thay đổi số CMND, chắc chắn sẽ làm phức tạp hoá các thủ tục hành chính và gây khó khăn cho người dân trong quá trính bảo quản, lưu trữ?

Không phức tạp, bởi khi làm thủ tục cấp, đổi từ CMND 9 số sang CCCD người dân đã làm hết các thủ tục, các thông tin để xác nhận đã có hết ở trong đó rồi, cho nên việc cấp là không có khó khăn gì đối với cơ quan quản lý.

Còn đối với người dân, trong khi sử dụng giấy xác nhận nếu làm mất, thất lạc giấy tờ đó thì cơ quan quản lý sẽ cấp lại cho người dân và không có khó khăn gì cả.

Với những trường hợp đổi số CMND nhiều lần, nếu công dân có nhu cầu, cơ quan chức năng có thể cấp 1 lần nhiều giấy xác nhận. Tức là mỗi số CMND đã đổi được cấp 1 giấy xác nhận, tất cả những số đó đều được xác nhận để sử dụng đảm bảo trong các giao dịch, nhất là giao dịch đất đai để chuyển đổi, đăng ký, vay ngân hàng… không bỏ sót nhu cầu nào của dân.

Video: Đại tá Phùng Đức Thắng lý giải nguyên nhân không in số CMND cũ vào thẻ CCCD

- Trong trường hợp thay đổi số CMND nhiều lần, trải qua thời gian nhiều người không còn lưu giữ được tài liệu nào của CMND cũ để chứng minh số CMND đó là của mình thì sẽ được giải quyết ra sao?

Vấn đề đó thuộc về trách nhiệm của cơ quan cấp CCCD, phải thông qua tàng thư để tra cứu. Bởi vì cơ quan chức năng phải tra cứu rõ ràng thông tin thì mới có thể cấp được, còn nếu công dân khai mà tra cứu không có thì cơ quan quản lý cũng không cấp được vì không có căn cứ để cấp.

Hiện nay vẫn sử dụng tàng thư thủ công, Bộ Công an đang chuyển sang số hoá để phục vụ công tác. Tuy nhiên việc thủ công hay số hoá cũng chỉ là làm chậm và nhanh thôi.

- Với trường hợp người dân thay đổi nơi cư trú, kéo theo thay đổi số CMND nhiều lần, khi muốn xin xác nhận CMND cũ, họ lại phải trở về địa phương để xin xác nhận từ đầu?

Bộ Công an đã quy định để người dân khi xin xác nhận số CMND cũ không cần phải đi lại mà chỉ cần xin tại nơi cấp căn cước, cơ quan cấp căn cước phải có trách nhiệm xác minh và cấp cho công dân giấy xác nhận.

Dù công dân đổi bao nhiêu lần và ở đâu thì đơn vị cấp căn cước phải có trách nhiệm gửi yêu cầu xác minh về đơn vị cũ của công dân, đơn vị đó sẽ cung cấp các thông tin trong tàng thư cho đơn vị cấp căn cước để xác nhận vào giấy xác nhận số CMND cho công dân, công dân không phải đi đâu hết.

Bộ Công an đã làm hướng dẫn để cơ bản người dân không phải đi đâu, trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu thì phải giải quyết đến đấy chứ không bắt người dân chạy.

Người dân không cần chạy về địa phương nơi cấp CMND để xin xác nhận rồi lại quay về địa phương đang cư trú. Công dân không cần làm việc đấy, trách nhiệm thuộc về đơn vị cấp căn cước.

Còn đối với những tài sản cố định của công dân gắn với số CMND cũ, chẳng hạn giấy tờ đất đai như số đỏ, nếu đã lưu số CMND cũ trong giấy tờ đó thì chỉ cần mang giấy xác nhận đến cơ quan cấp giấy đấy đề nghị điều chỉnh thì họ sẽ điều chỉnh. Tương tự đối với bất cứ giao dịch gì thì sẽ cần mang theo giấy xác nhận CMND cũ để điều chỉnh lại. 

Hiện tại ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới dù tiên tiến đều phải thực hiện quy trình xác nhận, cơ quan nhà nước sẽ đồng bộ toàn bộ các xác nhận đó nếu có kho dữ liệu chung. Việt Nam còn đang ở giai đoạn chưa có kho dữ liệu chung nên chưa thể bàn chuyện ngay lập tức được.

- Việc xây dựng kho dữ liệu chung sẽ là giải pháp giải quyết các rắc rối nhiều công dân đang gặp phải khi sử dụng CCCD và CMND mới. Việc này được thực hiện đến đâu, thưa ông?

Sau này nếu xây dựng thành công kho cơ sở dữ liệu quốc gia chung thì sử dụng số định danh, chính là số thẻ căn cước sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

Bộ Công an đang triển khai xây dựng kho dữ liệu dân cư, đến bây giờ dự án đang được phê duyệt và đã tham mưu Chính phủ để cấp vốn triển khai thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường - Hữu Dánh

Tin mới