Việc Bộ Nội vụ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ không mặc quần bò, váy ngắn khi đi làm đang gây nhiều luồng ý kiến trái ngược trên mạng xã hội mấy hôm nay. Theo bộ quy tắc ứng xử vừa được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành, khi làm việc tại công sở, đi thực thi công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ phải ăn mặc kín đáo, váy quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, không mặc quần bò, áo phông không ve cổ.
Có nhiều người không ủng hộ, cho rằng không nên "kỳ thị" một chất liệu cụ thể, rằng quần bò cũng kín đáo, khỏe khoắn, và váy ngắn trên đầu gối cũng vẫn lịch sự, là loại trang phục công sở phổ biến. Tuy nhiên, cá nhân tôi khi đọc những quy định trên lại thấy vui mừng.
Có thể bạn đọc sẽ hỏi, cớ sao một bộ quy tắc lẽ ra phải có từ lâu, hoàn toàn phù hợp và dễ hiểu như vậy lại có thể khiến tôi mừng rỡ? Chuyện là thế này...
Lần nọ, tôi có việc tới một cơ quan Nhà nước để làm thủ tục. Đầu giờ sáng, tiếp tôi là một nữ cán bộ khoảng 30 tuổi. Tôi khá bất ngờ vì là người của cơ quan Nhà nước, đang ở nhiệm sở nhưng cô ấy lại mặc chiếc váy ngắn bó sát, nội y có màu tương phản với trang phục chính, cùng đôi guốc cao, nhọn gót khiến cô trông ngất ngưởng khi di chuyển. Vừa trao đổi thủ tục một cách cụt lủn, cô vừa tranh thủ ăn nốt bữa sáng trên bàn...
Trang phục nghiêm túc, phù hợp tại công sở là điều cần thiết! (Ảnh minh họa)
Nếu hoàn cảnh gặp gỡ là ở một quán cafe hay một chỗ vui chơi, giải trí nào đó, tôi có thể sẽ thấy cô đẹp. Nhưng gặp ở đây, tôi không khỏi cau mày, cảm thấy phong cách này thật khó chấp nhận. Bởi con người đại diện cơ quan Nhà nước đứng trước mặt tôi - để tôi giao phó giấy tờ, công việc - lại không thể hiện bất kỳ sự chuyên nghiệp nào. Điều đó khiến tôi băn khoăn về sự trách nhiệm của cô trong công việc...
Chắc không ít người sẽ bảo "cần gì phải khó tính chuyện ăn mặc", "chiếc áo không làm nên thầy tu", "tốt gỗ hơn tốt hơn nước sơn, các cụ chẳng dạy rồi sao?"... Tuy nhiên tôi cho rằng, lối suy nghĩ đó quá xuê xoa, mang nặng sự cảm tính thay cho lý trí.
Bởi vì ở cơ quan Nhà nước, mỗi cán bộ đều được xem như bộ mặt của chính quyền (trong lĩnh vực mà họ đảm nhiệm) khi tiếp xúc với người dân.
Khi trang phục của họ nghiêm túc, tác phong lịch sự, không chỉ người đối diện cảm thấy sự chuyên nghiệp, trách nhiệm mà chính bản thân cán bộ, công chức cũng tự ý thức và trở nên nghiêm cẩn chuẩn mực hơn so với khi họ mặc "thoải mái" theo gu cá nhân.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp cho phép nhân viên ăn mặc phá cách, tự do, cốt tạo ra sự thoải mái tối đa trong công việc. Nhưng đó là văn hóa doanh nghiệp của họ, phù hợp với tính chất thương hiệu và môi trường làm việc đặc thù của họ. Còn cơ quan Nhà nước thì khác, hoàn toàn khác, cả về sắc thái và tính chất công việc. Đó là nơi đề cao tính nghiêm túc, chuyên nghiệp, trách nhiệm.
Những người cố chấp sẽ lý luận rằng, ăn mặc thoải mái cho... gần gũi. Thực sai lầm! Sự gần dân của cán bộ cơ quan Nhà nước không thể đánh đồng với gu trang phục xuê xoa, dễ dãi, mà nó nằm ở tác phong, lối giao tiếp, vốn cũng được quy định rõ trong bộ quy tắc.
Tôi nghĩ rằng, có lẽ chỉ một bộ phận rất nhỏ cán bộ, công chức cảm thấy "không thoải mái" với quy định kể trên. Nếu ai đó vẫn phản đối, vẫn cho rằng "trang phục chẳng ảnh hưởng gì tới tác phong, tới vai trò công việc", thì tôi nghĩ họ không phù hợp với vị trí cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Bởi vậy, tôi rất ủng hộ bộ quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ dành cho cán bộ, nhân viên cũng như ủng hộ việc áp dụng các quy tắc tương tự cho nhiều cơ quan Nhà nước khác.
Khi đặt chân tới một công sở, điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn là sự chuyên nghiệp, trách nhiệm. Nếu mong muốn sự gần gũi thì đó cũng là "sự gần gũi trên tinh thần chuyên nghiệp, trách nhiệm", chứ không phải sự xuê xoa, dễ dãi.
Đương nhiên, để đạt được những điều mong muốn kể trên thì kiểu trang phục và tác phong "chuyên nghiệp, có trách nhiệm" là thứ không thể thiếu và cũng không cần phải bàn cãi.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.