Quốc hội khoá XV vừa thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, với gần 90,5% đại biểu tán thành.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% vào năm sau. Mức này tương đương chỉ tiêu giao năm 2023, nhưng kinh tế thế giới khó khăn, chịu tác động bởi các cuộc xung đột địa chính trị nên năm nay dự báo GDP chỉ tăng trên 5%.
15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu Quốc hội giao, gồm:
Thảo luận trước đó, một số ý kiến cho rằng bối cảnh kinh tế năm 2024 vẫn đối diện nhiều rủi ro, khó đoán định, nên mục tiêu GDP tăng 6-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng 5-6%.
Trong báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, kịch bản GDP năm sau được đưa ra trên cơ sở tính tới các yếu tố thuận lợi, khó khăn và mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025).
Ba động lực tăng trưởng về đầu tư (tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh đưa vào khai thác
Cùng đó, trên cơ sở GDP năm nay đạt trên 5% nên dự kiến mức tăng năm sau 6-6,5% "thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, xã hội". Nhưng để đạt mục tiêu này, cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động hơn trong điều hành.
Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết với 90,49% tán thành. (Ảnh: Quochoi.vn)
Các ý kiến đại biểu đề nghị giữ kế hoạch năm sau bằng năm nay, nhưng ông Vũ Hồng Thanh giải thích, các chỉ tiêu này phụ thuộc vào quy mô GDP, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lực lượng lao động đang hoạt động trong nền kinh tế. Năm 2024, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng 6-6,5%, quy mô lao động khoảng 51,8 triệu lao động và tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng 7,83%.
Năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục phức tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến, chế tạo do thị trường thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thiếu đơn hàng.
Về lao động, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ kéo theo chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm. "Một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi", ông Thanh nêu.
Từ cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đưa ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lao động năm 2024 là phù hợp.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành linh hoạt và mở rộng hợp lý, có trọng điểm. "Thị trường tiền tệ, tín dụng cần bảo đảm ổn định, phấn đấu giảm tiếp lãi suất, tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn và tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng", Nghị quyết nêu.
Quốc hội cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông - Tây; nghiên cứu hoàn thiện đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.
Thêm nữa là phát triển nguồn nhân lực, đổi mới giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao. "Tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030", theo nghị quyết.
Với dự thảo được thông qua, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024.
Về tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, Quốc hội yêu cầu khắc phục: "Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay ở cấp cơ sở".