Không khí xuân đang rộn ràng khắp nơi. Mọi người đang rộn ràng chuẩn bị Tết bên người thân, bên gia đình. Nhân dịp này PGS.TS - Nhà lý luận phê bình, nhà văn Ngô Văn Giá gửi tới VTC News bài viết gợi nhớ về những cái Tết xưa ở nông thôn.
Gọi là thời bao cấp, khiến ta nghĩ ngay đến hai điểm rất riêng: Thời của làm ăn tập thể và thời của chiến tranh. Thế nên, Tết vốn là của mọi thời, nhưng đi qua mỗi thời mỗi khác. Thời bao cấp, Tết cổ truyền có thể rất nghèo nhưng rất đỗi thiêng liêng.
Việc đầu tiên là câu chuyện cả nhà ngóng thư của những người con trong gia đình đang đi bộ đội ở chiến trường. Nhà ai cũng vậy, gần Tết là chờ thư, dặn dò người đưa thư hễ có thư là mang đến kịp thời.
Riêng nhà tôi cũng vậy. Anh cả tôi đi chiến trường từ năm 1968. Năm nào cả nhà cũng thon thót ngóng thư ngày Tết. Nếu có thư thì cả nhà đón Tết “to” hơn, ngược lại thì làm “qua loa” như cách ông tôi nói.
Tôi nhớ ngày còn bé, ông nội tôi chỉ tín nhiệm tôi đọc thư của anh cả tôi cho ông và cả nhà nghe cùng. Mỗi lần đọc, tôi phải cố gắng lắm mới đọc hết bức thư. Thỉnh thoảng nghẹn giọng, lại phải đằng hắng ho mấy tiếng rồi mới đọc tiếp.
Cả nhà ngồi lặng im, không ai nói câu nào. U tôi lấy khăn chấm mắt. Ông tôi bảo: “Năm nay có thư thằng cả, nhà mình đụng lợn nhiều thêm cho các cháu ăn uống dư dả. Ông cho các cháu tiền mua bánh pháo to về đốt cho vui nhé”. Cả nhà thật là vui, nhất là bọn trẻ con chúng tôi được cầm tiền đi mua pháo.
Tết quê nghèo lắm nhưng ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng, ai cũng mong chờ.
Ở quê ngày Tết hay có tục đụng thịt lợn. Dân gian có câu: “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Tuy đa số các nhà không khá giả gì, nhưng cuối năm cũng phải chuẩn bị, mua sắm cho đủ lệ bộ: gói bánh chưng, gói giò (giò nạc, giò mỡ, giò thủ…), làm cỗ thắp hương cho đủ các ngày từ 30 cho đến hết mùng Ba.
Nhà nào có lợn mổ là vui nhất. Nếu không, sẽ đụng lợn. Đụng nghĩa là đăng ký ăn chung lợn với nhà ai đó. Chủ nhà sáng sớm phải đun nước, chuẩn bị chỗ mổ lợn; dao, thớt, phản để pha chế thịt lợn; cối giã giò, lá bó giò; rồi thì chuẩn bị nấu cháo lòng, mâm bát… để mời tất cả những thành viên đụng lợn ở lại ăn cỗ.
Hôm mổ lợn là một ngày tất bật. Người lớn có việc của người lớn. Trẻ con như chúng tôi cũng phải làm rất nhiều việc không kém: rửa rau, lau bát, đun bếp (bếp củi), lấy cái nọ cái kia khi người lớn sai bảo…
Ngày xưa nghèo, không có tiền mua bóng. Trẻ con chúng tôi xin được cái bong bóng lợn, rồi dùng tro bếp rửa sạch, phơi nắng cho ráo nước rồi dùng mồm thổi căng hơi, thế là thành một quả bóng chơi suốt mấy ngày. Một góc sân đình vang lên tiếng hò hét của trẻ con, cổ vũ cho đội bóng mà mình yêu thích.
Thích thú nhất là đứng nhìn người lớn chia phần thịt đụng. Đầu tiên là chia thịt sống (Khi cân con lợn còn sống thì gọi là thịt lợn hơi. Khi mổ ra rồi, cân cả con lợn, trừ thủ để lại, thì gọi là thịt lợn móc). Mỗi phần lợn móc bao gồm cả thịt, cả xương các loại; sau đó là các thứ lục phủ ngũ tạng, bao gồm lòng, dồi, gan, cật đã luộc. Riêng quả tim thường biếu lại cho chủ nhà để nấu cháo, nhất là những nhà nào có người già.
“Mời nhau ăn cỗ, đánh nhau chia phần”. Đó là chuyện ngày thường, chứ hôm nay chả ai nghĩ thiệt hơn. Nhưng mà người chia phần thường là người rất giỏi, vừa khéo tay lại vừa biết ước lượng chính xác. Chia thế nào mà sau đó đem cân lên, có khi mỗi phần chỉ hơn kém phải “hoa” (đơn vị dưới lạng). Chả đáng kể, mọi người ai cũng cười vui, hoan hỉ.
Cuối cùng đến phần ăn cháo lòng. Gọi là vậy, chứ mâm cỗ cũng có đủ món như thịt thủ luộc, lòng lợn, tiết canh, om xương. Người lớn uống rượu tưng bừng. Trẻ con ăn uống thỏa thuê, đứa nào đứa ấy bụng căng như quả bóng, mặt hồng rực dưới nắng hanh…Đụng lợn chính là một ngày hội nho nhỏ của cộng đồng vào những ngày áp Tết.
Bây giờ thì việc cấm đốt pháo đã trở thành nền nếp rồi, chứ ngày xưa pháo là một nội dung không thể thiếu của mỗi nhà. Nhớ có lần nhà văn Nguyễn Đình Thi nói chuyện với lũ sinh viên chúng tôi về chuyện pháo, đại ý: Người Việt Nam mình gửi gắm vào trong tiếng pháo đầu xuân nhiều ý nghĩa lắm, ngoài cái ý nghĩa nguyên thủy là mô phỏng tiếng sấm cầu cho mưa thuận gió hòa.
Này nhé, trong năm tôi có thể là kẻ nghèo hèn, vô danh, chả ai biết đến, thậm chí còn bị ai đó bắt nạt, xem thường. Nhưng tôi cũng là con người, tôi cũng như ai, tôi chả kém cạnh ai, tôi cũng chơi Xuân, tôi cũng có Tết của tôi chứ. Thế là thông qua tiếng pháo đốt đêm giao thừa (hoặc sáng sớm mùng Một), tôi muốn nói to lên trước bàn dân thiên hạ, trước đất trời rằng: “Là tôi đây, tôi đang có mặt trên đời”…Một tinh thần dân chủ, một khát vọng sống được biểu thị trong tiếng pháo ngày Tết.
Ở làng quê ngày xưa không có tục đi chơi đêm giao thừa. Khi cúng giao thừa, tất cả các thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ tại nhà, ăn bánh kẹo, mứt, chè lam, nhâm nhi chén rượu, nghe đài, đốt pháo, nghe pháo nổ của các nhà chung quanh rồi đoán định, bình phẩm pháo nhà ai, tiếng nổ đẹp thế nào…
Sáng sớm hôm sau, trẻ con dậy thật sớm để làm hai việc đi xông nhà cho những cô bác họ hàng để nhận tiền mừng tuổi, và đi hái lộc. Nếu được gia đình nào đó “đặt cọc” trước đến xông nhà thì còn tự tin, chứ đến những nhà bình thường khác kể ra cũng hơi ngượng. Ấp a ấp úng lời chúc Tết, rồi ngồi chờ cho bằng được để nhận tiền mừng tuổi.
Ngày đấy còn có tiền xu, mệnh giá chả đáng là bao. Nhưng hễ được nhận một vài đồng xu là sung sướng vô cùng. Sáng sớm đầu năm, chạy băng băng như bay trên đường làng, tiếng va nhau lanh canh của những đồng xu trong túi…Thật là niềm vui sướng tột cùng của một đứa trẻ ở quê.
Tết quê tuy nghèo nhưng ấm áp.
Thêm một tục nữa vào sớm mùng Một Tết, tục hái lộc đầu xuân. Làng tôi trước đây có một cây đa to đứng cạnh đình làng. Ông tôi dặn trèo lên cây đa hái lộc, chỉ lấy những chiếc lá (hoặc cành nhỏ) chĩa về hướng Đông thôi. Tôi tò mò hỏi tại sao, được ông tôi giải thích hướng đông là hành Mộc, màu xanh, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, tươi tốt. Thì ra là thế.
Khi lấy những chiếc lá đa ấy về, ông tôi đem gài lên mái ngói trước hiên nhà, dặn bọn trẻ chúng tôi không được nghịch ngợm lấy xuống, phải để đấy để được may mắn trong năm. Sau này, khi hiểu ra, mới biết tục hái lộc ngày xưa là vậy. Không như bây giờ, hái lộc có nhiều nơi, với nhiều người là cuộc tàn sát cây xanh, tàn sát mỗi trường không thương tiếc.
Ông tôi còn dặn sớm mùng Một phải ngoan, không được cãi nhau, to tiếng với nhau, không được để làm vỡ ấm chén, bát đũa kẻo “dông” suốt quanh năm. Những lời dặn dò ấy, chúng tôi cứ răm rắp làm theo và bao giờ cũng được ông khen. Bảo chúng tôi ngoan cũng đúng. Nhưng có lẽ phần lớn là vì lũ trẻ chúng tôi cảm nhận được một điều gì đó thiêng liêng, gắn bó của tổ tiên, đất đai, của con người trong đại vũ trụ bao la này mà không dám làm những điều xằng xịt.
Tết ở làng quê bây giờ, cỗ bàn, ăn uống khá giả hơn xưa, một số tục đẹp vẫn còn giữ được, tuy cũng bị phôi pha ít nhiều. Cho dù có đổi thay đến mấy thì cái cảm xúc thiêng liêng về tổ tiên, về đất trời và tình người chắc chắn sẽ còn mãi mãi…