Bỏ “ghế” giám đốc, về mở quán mỳ
Đường Âu Cơ giờ tan tầm hối hả, cơn mưa của tháng 10, còi xe inh ỏi, vẻ mặt đợi chờ mệt mỏi của từng người, họ cố gắn chen chúc nhau để được “nhích” thêm một xíu, về nhà nhanh một xíu.
Tôi may mắn thoát khỏi đám đông, nhưng cái lạnh của một ngày mưa tầm tã khiến tôi muốn được ăn gì đó “nong nóng”. Vô tình, tôi bị thu hút bởi hương thơm đặc biệt, rất quen nhưng lại rất lạ. Tôi ghé vào quán “Mỳ Quảng Ngon” tại số 161/22 Ba Vân, Phường 14, Quận Tân Bình của anh Hồ Tấn Thanh (quê ở Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam).
Ấn tượng đầu tiên của quán Mỳ Quảng Ngon là không gian không quá lớn, nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Bên ngoài là tiểu cảnh gồm bãi đất trống được xây cao ráo, rộng rãi, nhiều cây xanh cao, tán che mát và rộng, bên dưới khô ráo. Nhìn không gian ấy, ai cũng thấy như đang đứng giữa một vùng quê ở đất miền Trung.
Không gian quán mỳ Quảng của anh Thanh rất lung linh vào buổi tối.
“Mỳ Quảng là một món ăn dân dã và là niềm tự hào của người dân quê tôi. Người Quảng tha hương cũng nhiều, đến định cư ở đâu cũng mang theo món này”, anh Thanh vui vẻ chia sẻ.
Hỏi ra mới biết, anh đang là giám đốc một công ty chuyên về thương hiệu và truyền thông. Gần 30 năm ở Sài Gòn, lăn lộn đủ nơi, anh ăn không biết bao nhiêu quán mỳ Quảng, nhưng với anh thì tất cả đều chưa “đã”, chưa đúng vị quê hương.
Quán mỳ chỉ có anh và vợ - cũng là thanh mai trúc mã từ nhỏ của anh cùng làm, trong đó vợ anh là đầu bếp chính, anh Thanh gọi là “tình người xứ Quảng”.
Không chỉ ấm bụng mà còn ấm lòng
Một tô mỳ Quảng làm tôi ấm bụng sau một cơn mưa lớn, có lẽ tôi là vị khách may mắn vì được anh Thanh “nêm” thêm “gia vị của tình yêu quê hương” đậm đà và đậm tình.
Vị mỳ thơm ngọt, nước chan béo ngậy cùng với miếng gà, miếng đậu phộng giòn rụm, tất cả vừa khéo để tạo nên một tô mỳ hợp với khẩu vị đủ mọi vùng miền. Thì ra cái tên Mỳ Quảng Ngon chính là lời khẳng định mạnh mẽ nhất của vợ chồng chủ quán đối với món ăn của họ.
Tô mỳ Quảng ấm lòng và ấm áp nghĩa tình.
Anh Thanh kể, ngày xưa muốn ăn được mỳ Quảng không dễ như bây giờ. Mỳ Quảng chỉ được làm khi trúng mùa lúa, giỗ tiệc hay nhà có khách quý đến chơi. Để làm ra tô mỳ, mẹ và chị phải xay bột từ gạo trong cối bằng đá núi, rồi nhóm lò tráng bánh bằng những cây củi to, lá mì lớn cỡ miệng nồi. Khi lá mì chín mềm tỏa mùi thơm phức, mẹ mới “chấn” cọng mỳ nhỏ vừa ăn, chưa kể nguyên liệu khác.
Không chỉ tốn công mà còn “kén của”, đậu phộng tháng 5 ép còn nóng, củ nén tươi khử thơm. Rau thì tuỳ khẩu vị, nhưng ngon nhất phải là cải con, cùng bắp chuối sứ, hành, ngò, húng lủi. Tô mỳ chan ít nước, đặc biệt là vớt tý nước béo trong nồi nước dùng đổ lên trên cọng mỳ.
Tôi khẳng định mình là thực khách rất may mắn khi lần nữa được “chính chủ” dạy cách ăn mỳ Quảng. “Lúc để nguội rồi, bưng tô lên là lùa vào miệng liên tục, rồi cắn thêm miếng ớt xiêm nhỏ, xong vừa nhai vừa cảm nhận. Mấy phút là xong tô mỳ. Đó mới là cách ăn mỳ Quảng đúng, chứ không phải ăn nhấn nhá, từ tốn như những loại mỳ khác”, anh Thanh chia sẻ.
Rất nhiều người thử ăn một lần ở quán của anh đều quay lại để tiếp tục thưởng thức.
Ngoài mỳ Quảng, hiện quán anh cũng đang bán thêm rất nhiều món ngon xứ Quảng khác như hến xúc bánh tráng, lòng xào nghệ tươi, mít trộn, bao tử trộn, giò heo hầm chuối chát,… “Tất cả các món này đều là món ăn đặc trưng của quê tôi, vừa dân dã, bình dị nhưng cũng không kém đi vị ngon”, anh Thanh khẳng định chắc nịch.
Vùng đất miền Trung đầy nắng, gió và những trận “cuồng phong” của thiên nhiên. Có lẽ, cũng vì vậy mà con người miền Trung luôn toát lên sự chân chất, dung dị nhưng lại đầy tính chịu khó và sự quyết tâm khác lạ.
Với giọng nói rất Quảng mà đôi khi tôi vẫn phải nhíu mày nhờ anh dịch lại, anh vẫn cười cười nói rằng “tiếng quê hương, anh tự hào lắm” và tôi thấy được điều đó trong ánh mắt của anh, nụ cười và câu chuyện đầy hào hứng khi anh kể về đất Quảng, về con người miền Trung nghĩa tình và quán Mỳ Quảng Ngon chứa cả tấm lòng của vợ chồng anh Thanh.