Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập, chuyên gia lo ngại mất dấu ấn Thăng Long - Hà Nội

(VTC News) -

Chuyên gia lo ngại việc sáp nhập, sắp xếp lại quận Hoàn Kiếm sẽ phá bỏ dấu ấn của Thăng Long - Hà Nội, ảnh hưởng đến giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của Thủ đô.

Những ngày qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến thông tin Hà Nội có một đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025.

Một góc quận Hoàn Kiếm nhìn từ trên cao. 

Không nên máy móc, cứng nhắc để sáp nhập

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, TS Phạm Quang Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học hành chính Việt Nam, đặt vấn đề, đối chiếu Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập nhưng quận Hoàn Kiếm sẽ sáp nhập với quận nào? Khi sáp nhập có còn tên Hoàn Kiếm hay sẽ là một cái tên khác?

"Cá nhân tôi và nhiều nhà khoa học đều chung nhận định rằng đơn vị hành chính được xác lập không chỉ thuần túy dựa trên cơ sở 2 tiêu chí là dân số và diện tích mà còn phụ thuộc vào lịch sử, văn hóa, phong tục, vị trí địa lý…", ông Long nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học hành chính Việt Nam cho hay, Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô với 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng như quần thể Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, chùa Báo Ân, tháp Báo Thiên, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Bưu điện Hà Nội…

Trong đó, di tích hồ Hoàn Kiếm gắn liền với sự tích Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm thần cho Rùa vàng sau khi đuổi xong giặc ngoại xâm, giành độc lập.

"Bất cứ cái tên nào cũng khiến nhiều người khắc khoải nếu phải xa Hà Nội. Không chỉ đơn thuần là một địa danh, một di tích bình thường, đó là tình yêu đã đi vào thơ ca, văn chương, âm nhạc, hội họa, trở thành niềm tin và hy vọng, thành cảm hứng của biết bao thế hệ", TS Phạm Quang Long nói.

Hơn nữa, theo ông Long, nhắc đến Hà Nội người ta lại nhắc đến 36 phố phường, mà 36 phố phường đó đa phần nằm ở quận Hoàn Kiếm. Trải qua thời gian, đến đầu năm 1981, thực hiện Hiến pháp mới, chính quyền Hà Nội được tổ chức thống nhất thành ba cấp, trong đó khu phố Hoàn Kiếm được gọi là quận Hoàn Kiếm, gồm 18 phường, giữ ổn định đến nay.

Khẳng định việc sáp nhập các đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là rất cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng ông Long nhận định là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến lịch sử, đến văn hóa, đến địa linh long mạch nên không thể máy móc, cứng nhắc.

"Xét dưới góc độ phong thủy, tâm linh thì chắc chắn quận Hoàn Kiếm là trường hợp đặc biệt, có quá nhiều yếu tố đặc thù, không nên sáp nhập. Nếu có thì chỉ sáp nhập một số phường của quận liền kề vào", ông Long nói thêm.

Hoàn Kiếm là quận trong diện sáp nhập, dân Thủ đô nghĩ thế nào?

Cùng quan điểm, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng ở Hà Nội không nên điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp lại các quận trung tâm. Đó không phải là ý chí cá nhân mà là vấn đề khoa học, truyền thống, văn hoá, lịch sử.

"Với lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn mang đậm dấu ấn của Thăng Long - Hà Nội và nằm ở vị trí trung tâm, quận Hoàn Kiếm được coi là "trái tim" của Thủ đô", ông Phúc nói và nhấn mạnh không thể phá đi dấu ấn đó bằng một quyết định sáp nhập.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cùng với 3 quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm đã ổn định về mặt địa giới hành chính từ tháng 11/1945.

"Đây cũng là địa bàn rất đặc thù về lịch sử và văn hóa, do đó phải giữ nguyên đơn vị hành chính như hiện tại", ông Phúc bày tỏ.

Nhà hát Lớn Hà Nội nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Đừng biến Thủ đô thành "mảnh vải chắp vá"

Trả lời PV VTC News về thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, dẫn lại lá thư được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết ngày 5/5/2008 (trước khi Quốc hội biểu quyết sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội), trong đó có đoạn: "Thủ đô của cả nước, của cả dân tộc và cả của lịch sử. Không nên và không được phép đưa Thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì".

Ông Ánh cho hay, năm 2023, Hà Nội triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Để lập các quy hoạch này, các quận/huyện đang triển khai lập quy hoạch vùng quận/huyện.

Và chuyện sáp nhập quận Hoàn Kiếm, hay các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức lập thành phố trong thành phố đang được Hà Nội đề cập đến.

Tuy nhiên KTS Trần Huy Ánh cho rằng, trước mắt Hà Nội hãy làm rõ các mặt mạnh, yếu, chỉ ra động lực phát triển của từng địa phương. Cùng đó là những giải pháp khắc phục tắc đường, ô nhiễm môi trường, cơ hội sinh kế, an sinh xã hội...

"Giải quyết được những vấn đề bức thiết hiện nay, đồng nghĩa Thủ đô vốn là mảnh vải đẹp được giao cho các thợ may giỏi nên tạo thành bộ đồ sang trọng. Thay vì đưa anh thợ nghiệp dư, cắt hỏng rồi vá chằng vá đụp bởi những miếng vải mới thì rất uổng phí", ông Ánh nói.

duong trung quoc.jpg

Chỉ cần một thay đổi nhỏ về địa giới hành chính thôi thì đi kèm với nó sẽ là rất nhiều chuyện phiền toái cho người dân.

Ông Dương Trung Quốc

Trong khi đó, ông Dương Trung Quốc - nguyên đại biểu Quốc hội, cho biết, ông không bàn đến chuyện đúng sai, nên hay không nên nhưng Hoàn Kiếm là quận đặc thù của Thủ đô và không nên lấy tiêu chí chung để làm lý do sáp nhập.

"Thông tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập khiến người dân ở Hà Nội đều ngỡ ngàng, những nhà khoa học và các hội nghề nghiệp cũng đều ngỡ ngàng. Từ đâu đưa ra ý tưởng đó hay chỉ cứng nhắc nhìn vào tiêu chuẩn bao nhiêu km2, bao nhiêu dân…?", nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

Ông Quốc khẳng định, miếng đất ở quận Hoàn Kiếm rất khác miếng đất ở ngoại thành Hà Nội, càng khác miếng đất ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Lai Châu…

"Tại sao lại lấy tiêu chuẩn đó ra làm gì? Tạo nên sự xáo trộn không cần thiết. Chỉ cần một thay đổi nhỏ về địa giới hành chính thôi thì đi kèm với nó sẽ là rất nhiều chuyện phiền toái cho người dân", ông Quốc bức xúc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị, với chủ trương lớn thì cần giải thích rõ cho người dân, đồng thời cân nhắc kỹ càng, tránh sự đảo lộn không cần thiết: "Luật trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015 rồi mà cứ để trong ngăn kéo mãi. Lấy ý kiến đi thử xem dân có suy nghĩ như thế nào".

Ngày 31/7, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, thành phố có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Quận Hoàn Kiếm rộng 5,29km2, gồm 18 với dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.

Anh Văn

Tin mới