Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quân đội Myanmar và chính quyền dân sự bị lật đổ tranh giành ghế Liên hợp quốc

Cả chính quyền quân sự Myanmar lẫn chính quyền dân sự mới bị lật đổ hồi tháng 2/2021 ở quốc gia Đông Nam Á này đều nhận chiếc ghế của Myanmar tại Liên hợp quốc.

Tương lai của cuộc khủng hoảng Myanmar có thể được quyết định tại New York vào ngày 14/9 (giờ Mỹ) khi Đại hội đồng Liên hợp quốc họp. Một trong các vấn đề gây tranh cãi trong cuộc họp này sẽ thuộc về trách nhiệm của Ủy ban Quốc thư Liên hợp quốc.

Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun tại Liên hợp quốc. Ảnh: Eleven Myanmar.

Ủy ban Quốc thư gồm 9 nước thành viên sẽ quyết định ai được xem là chính phủ hợp pháp của Myanmar: Chế độ quân sự vừa nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng 2 hay “Chính phủ Đoàn kết Quốc gia” (NUG) - chính phủ lưu vong Myanmar gồm các chính trị gia bị lật đổ trong cuộc đảo chính đó.

Khoảng trống đại diện

Myanmar đã bị đẩy vào vòng xoáy khủng hoảng sau khi chính phủ dân bầu của đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) bị lật đổ trong cuộc đảo chính nói trên. Biểu tình và xung đột nổ ra ở khắp nơi, kinh tế quốc gia bị tàn phá, dịch bệnh COVID-19 hoành hành... Nhưng cho tới nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa nói rõ bên nào được coi là chính quyền hợp pháp tại Myanmar.

Do sự nhập nhằng này, Myanmar hiện không được trao ghế trong nhiều cơ quan quốc tế khác nhau, bao gồm Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.

Trên thực tế, kể từ khi xảy ra đảo chính quân sự tại Myanmar, chiếc ghế của nước này tại Liên hợp quốc vẫn do Đại sứ Kyaw Moe Tun chiếm giữ. Kyaw Moe Tun là một người được NLD bổ nhiệm vào vị trí đó. Ông này cũng là người phản đối chế độ cai trị của quân đội. Chính quyền quân sự Myanmar cho tới nay vẫn chưa thể thay thế ông tại New York.

Hội đồng Hành chính Quốc gia (SAC) do quân đội Myanmar lập ra hậu đảo chính tuyên bố họ nên được quốc tế công nhận là lực lượng kiểm soát hiệu quả đất nước, bao gồm các sân bay và các căn cứ quân sự cũng như thủ đô Naypyidaw.

Tuy nhiên, NUG cũng lập luận rằng quốc tế cần công nhận NUG vì họ đại diện cho ý chí của nhân dân Myanmar, do NLD là bên giành chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử năm 2020 bất chấp việc chính quyền quân sự sau này tuyên bố có gian lận bầu cử.

Liên hợp quốc thường tỏ ra không nghiêng về bên nào trước các vấn đề gây tranh cãi như thế. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng có tiền lệ công nhận các chính phủ bị lật đổ, như ở Haiti vào năm 1992 và ở Sierra Leone vào năm 1997.

Kịch bản 1 – phe dân sự được công nhận

Hunter Marston, một học giả về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng nếu Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận NUG thì cơ quan này sẽ trao cho Mỹ thêm không gian để “tương tác cởi mở và thúc đẩy thông điệp của NUG nhằm vào SAC”.

Cho tới nay, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp có mối liên hệ với chính quyền quân sự Myanmar và cắt các gói viện trợ phát triển cho Myanmar.

Một phát ngôn viên của EU nói: “Các cuộc thảo luận của Ủy ban Quốc thư Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng. Các phương án đều được đưa ra bàn thảo. Kết quả sẽ không làm thay đổi cách tiếp cận chính trị của EU đối với Myanmar”.

Giới phân tích đồn đoán rằng sau khi công nhận chính thức, Mỹ và các nước khác có thể sẽ chuyển nhiều quỹ hơn cho NUG – điều này sẽ cho phép NUG quay trở lại. Các nước ngoài cũng có thể chuyển tiền vào NUG từ các quỹ chính thức của Manmar được cất trữ ở nước ngoài.

Khi ấy, các quan chức NUG sẽ có thể ra nước ngoài thường xuyên hơn và gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài một cách thường xuyên, chính thức hơn.

Việc công nhận NUG cũng có thể đẩy quân đội Myanmar vào thế khó liên quan đến các hành động mạnh tay trước đây của họ. Đồng thời, Trung Quốc có thể buộc phải thay đổi cách tương tác của họ với chính quyền quân sự tại nước này.

Marston cho biết thêm, nếu điều đó xảy ra thì đấy sẽ là một sự bối rối lớn đối với chính quyền quân sự Myanmar.

(Ảnh minh họa)

Kịch bản 2 – phe quân đội được công nhận

Trong khi đó, Joshua Kurlantzick – nghiên cứu viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho rằng ít khả năng Liên hợp quốc sẽ công nhận chính quyền quân sự tại Myanmar vào tuần tới.

Ông bổ sung: “Tôi cho rằng nếu chính quyền quân sự Myanmar được công nhận là hợp pháp thì hầu hết các nền dân chủ hàng đầu ở châu Âu và Bắc Mỹ sẽ vẫn tiếp tục cách tiếp cận mà họ vốn theo đuổi. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á sẽ tái giao lưu với Myanmar dưới chính quyền mới”.

Catherine Renshaw – giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Western Sydney nhận định: “Với sự ủng hộ mang tính biểu tượng của Liên hợp quốc, những lực lượng trên thực địa ở Myanmar sẽ chiến đấu mạnh mẽ hơn nữa để giành lấy một chiến thắng đắt giá và khó khả thi”.

Tuy nhiên, giới phân tích nhìn chung đánh giá rằng Liên hợp quốc sẽ duy trì hiện trạng hiện nay.

Mark Farmaner – giám đốc nhóm vận động hành lang mang tên  Burma Campaign UK, thì cho rằng “ngay cả các chính quyền phương Tây đồng cảm với NUG cũng chưa công nhận NUG là chính quyền của Myanmar, cho nên khả năng Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận NUG là rất xa xôi.

Còn theo Farmaner, nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào mức độ quyết liệt của Nga và Trung Quốc đối với Ủy ban Quốc thư của Liên hợp quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã hình thành các mối quan hệ gần gũi với chính phủ NLD trước khi họ bị lật đổ. Giới quan chức Trung Quốc cũng quan ngại sâu sắc về bạo  lực ở Myanmar lan ra biên giới với Trung Quốc.

Nếu Ủy ban Quốc thư Liên hợp quốc (được Đại hội đồng Liên hợp quốc trao nhiệm vụ quyết định các vấn đề như vậy) không thể đưa ra một quyết định nào về vấn đề chiếc ghế của Myanmar hoặc từ chối đưa ra quyết định do các tranh cãi về vấn đề này, thì họ có thể gửi vấn đề lên cho toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định. Mà khi ra đó rồi thì giới phân tích không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters)

Kịch bản 3 – giữ nguyên hiện trạng

Farmaner phán đoán: “Kịch bản thực tế, tốt nhất là sự tiếp nối nhiệm kỳ của đại diện thường trực hiện nay thay vì công nhận đại diện do quân đội đề xuất”, nghĩa là Đại sứ Kyaw Moe Tun sẽ tiếp tục tại vị.

Tuy nhiên, do Kyaw Moe Tun đã phản đối đảo chính và được nhiều người xem là một nhân vật ủng hộ NUG nên kết quả trên có thể được coi là ngầm chấp nhận chính phủ lưu vong của Myanmar.

Kịch bản khác là Liên hợp quốc chẳng có quyết định nào cả và chiếc ghế của Myanmar tại cơ quan quốc tế này tiếp tục bị bỏ trống.

Renshaw thuộc Đại học Western Sydney lập luận: “Để trống ghế của Myanmar là sự phản ánh chính xác những gì đang diễn ra trên thực địa. Điều này cũng mang lại cơ hội tốt nhất để ngăn thủy triều nội chiến”.

Trung Hiếu (VOV.VN)

Tin mới