Góp ý tại hội trường, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng hiện nay “cái bánh ngân sách” có xu hướng bé lại và ngày càng phải đầu tư cho phát triển và nhu cầu xã hội càng phát triển, đặc biệt vấn đề an sinh xã hội và hạ tầng cơ sở.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cần quan tâm là việc sử dụng ngân sách làm sao cho có hiệu quả, phù hợp cân đối giữa các địa phương.
“Trong tình hình hiện nay, chúng ta cũng phải liệu cơm mà gắp cá, không thể chi như trước đây”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Vị đại biểu Thanh Hóa cũng đồng tình với việc Chính phủ đã dành một nguồn lực để điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đại biểu Lợi nhấn mạnh cần cải cách chính sách tiền lương, không để tiền lương như hiện nay.
“Chế độ tiền lương chung công chức với nhau mà 18 loại phụ cấp. Cùng công chức với nhau mà người có thâm niên, người không có thâm niên. Công chức ngành này có phụ cấp cao hơn công chức ngành khác là một sự bất hợp lý của tiền lương”, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội nêu.
Vị đại biểu Thanh Hóa cũng đồng tình với việc điều chỉnh bình quân khoảng 7% đến 8%/năm.
“Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ dành được 7-8%/năm. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải bản chất của cải cách chính sách tiền lương”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Đại biểu Lợi cũng đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện theo nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.
Video: Quan chức Quốc hội: Nên cấm công chức đến doanh nghiệp "ăn cơm"
Tuy nhiên, để cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ phải quyết tâm cao, giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và áp lực của thị trường.
“Chúng ta không nên phân biệt đơn vị nhà nước hay đơn vị tư nhân, phải lấy hiệu quả làm thước đo. 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 500 ngàn công chức, viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu chúng ta phải tính theo Nghị quyết 16, tính đúng, tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra”, đại biểu Nguyễn Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng Chính phủ cần quyết liệt thực hiện giảm biên chế đội ngũ công chức, viên chức, giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
“Bằng cách đó vừa giảm chi tiêu ngân sách, vừa tạo nguồn kinh phí để thực hiện việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức”, ông Tiến nhấn mạnh.