Hôm 26/5, ông Kurt Campbell, Điều phối viên vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), cho rằng "thời kỳ được gắn kết rộng rãi với Trung Quốc đã kết thúc, nhấn mạnh chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ vận hành theo “một loạt các tham số chiến lược mới” và “xu thế chủ đạo sẽ là cạnh tranh”.
Theo ông Campbell, việc Mỹ điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Trung Quốc xuất phát từ thực tiễn ngoại giao hiện tại của Bắc Kinh và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm với điều đó. Ông Campbell viện dẫn sự trỗi dậy của chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc, xung đột biên giới Trung - Ấn, tranh chấp thương mại Trung - Australia…
Ông Kurt Campbell, điều phối viên vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (Ảnh: AP)
Quan chức phụ trách các vấn đề châu Á tại Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, hành vi của Trung Quốc là biểu tượng của quá trình chuyển đổi sang "cường quyền hoặc sức mạnh rắn", điều này "cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc đóng một vai trò quyết đoán hơn".
Vị quan chức Nhà Trắng cũng cho hay, những năm tới đây, đồng minh sẽ là trọng tâm trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối chọi với Trung Quốc. Washington đã tăng cường hợp tác với các thành viên khác của nhóm “Bộ Tứ” - QUAD, gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Các nguyên thủ nước ngoài đầu tiên mà ông Joe Biden gặp tại Nhà Trắng là Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
“Chúng tôi tin rằng, cách tốt nhất để đối phó với một Trung Quốc quyết đoán hơn là liên kết với các đồng minh và đối tác”, ông Campbell nói, song cho rằng Mỹ sẽ cần phải xua tan lo ngại về sự suy giảm vai trò của Mỹ ở châu Á và đưa ra “tầm nhìn kinh tế tích cực” cho khu vực. “Lần đầu tiên, Mỹ thực sự đang chuyển trọng tâm chiến lược về lợi ích kinh tế, quân đội sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Campbell cho hay.
Bình luận của ông Kurt Campbell được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây. Hôm 26/5, Tổng thống Joe Biden yêu cầu, trong vòng 90 ngày, các cơ quan tình báo Mỹ tăng cường nỗ lực thu thập và phân tích thông tin để có kết luận cuối cùng về việc liệu virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật hay từ sự cố phòng thí nghiệm.
Quan điểm về chính sách của Washington đối với Bắc Kinh đã thể hiện rất rõ sau hội đàm giữa quan chức Mỹ - Trung Quốc lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden hôm 18/3 tại Alaska. Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề cùng chung lợi ích, cạnh tranh khi cần cạnh tranh và đối kháng ở những vấn đề cần phải đối kháng.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ - Trung đối đầu trên loạt vấn đề từ căng thẳng thương mại, vấn đề Tân Cương, Hong Kong… cho đến Biển Đông. Sang đến chính quyền Biden vẫn vậy, hai bên liên tục đưa ra các đòn trừng phạt đối với nhau, khiến căng thẳng trong quan hệ song phương ngày càng leo thang.